Doanh nghiệp cảng biển "khổ" vì container phế liệu

(khoahocdoisong.vn) - Từ năm 2017, container rác phế liệu tồn tại các cảng biển đã được cảnh báo,nhưng đến nay tình trạng này có xu hướng tăng lên.

Tốn trăm tỷ đồng lưu bãi

Theo Báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, hiện tại cảng Cát Lái đang tồn đọng hơn 2.000 container phế liệu. Đặc biệt, nhiều container chứa phế thải lẫn nhiều tạp chất, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường.

Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Hải quan TPHCM phát hành 30 thông báo gửi cho các hãng tàu và đại lý hãng tàu tại Việt Nam về việc vận chuyển hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển, đến nay cơ quan hải quan chỉ nhận được phản hồi của một số hãng tàu/đại lý hãng tàu tại Việt Nam.

"Các hãng tàu cho biết không liên lạc được với người nhận hàng tại Việt Nam cũng như người gửi hàng ở nước ngoài, hàng không đủ điều kiện nên không thể xuất cho các nước khác...", ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan Cát Lái) cho biết.

Tình trạng container phế liệu vô chủ cũng diễn ra tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Tại đây hiện đang tồn hơn 1.000 container, chủ yếu là mặt hàng lốp xe cũ chưa có người đến nhận.

Số lượng hàng tồn khá lớn nên tác động đáng kể đến quá trình giải phóng mặt bằng, ảnh hướng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh cảng.

Như tại cảng Nam Hải - Đình Vũ, lượng container tồn chiếm gần 1/3 công suất tại cảng. Để giải phóng kho, bãi duy trì hoạt động, cảng đã di chuyển số container này đến cảng cạn gửi tạm. Hiện, cảng Nam Hải - Đình Vũ đang phải trả 2 tỷ đồng/tháng cho số container tồn đọng này. Gần 3 năm nay, chi phí lưu bãi cảng phải trả cho cảng cạn (ICD) không dưới 60 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển từ cảng biển sang ICD.

Thời gian qua cơ quan hải quan cùng công ty cảng cũng "làm hết cách" từ thông báo, kêu gọi, giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu để doanh nghiệp đến nhận nhưng tỉ lệ container phế liệu được xử lý rất nhỏ giọt.

Nhiều chủ hàng đã bỏ trốn, vì hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, phí lưu container quá nhiều so với giá trị hàng hóa...

Khó xử lý

Thực tế, dù đã có cảnh báo của ngành hải quan trước đó, nhưng hàng ngàn container phế liệu đã đổ vào Việt Nam và bị tồn đọng tại các cảng biển từ cuối năm 2017, sau khi Trung Quốc có chính sách ngưng cho nhập khẩu phế liệu. Liên tục từ năm 2019 đến nay, có rất nhiều công văn hướng dẫn của Tổng cục Hải quan liên quan hàng phế liệu tồn tại các cảng.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có công văn hỏa tốc số 6595 gửi cục hải quan 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Định về việc tái xuất hàng hóa là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu với các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng biển phải được tái xuất thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập; tái xuất nguyên trạng, không được chuyển sang container khác; tái xuất toàn bộ và hàng được xuất đi từ nước nào, tái xuất về lại nước đó. Ngoài ra, các hãng tàu có văn bản gia hạn tái xuất trong 30 ngày kể từ ngày hết hạn tái xuất lần thứ nhất và chỉ được gia hạn 1 lần.

Bên cạnh đó, tránh việc ảnh hưởng, gây ô nhiễm môi trường, cơ quan Hải quan yêu cầu các hãng tàu phải lưu giữ nguyên trạng container phế liệu tồn đọng tại cảng biển không được chuyển hàng hóa sang vỏ container khác.

Sau thời gian này, hải quan địa phương sẽ báo cáo lên tổng cục chờ hướng dẫn tái xuất container phế liệu tồn đọng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đem đấu giá. 

Tuy nhiên, các hãng tàu đang có hàng trăm container phế liệu tồn tại cảng, bị buộc tái xuất cho biết “rất khó thực hiện”.

Đầu tiên, các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vận chuyển chỉ biết mã lô hàng, còn chất lượng thế nào chỉ có cơ quan chức năng kết luận.

Hơn nữa, các container phế liệu tồn không đạt chuẩn được giám sát bằng gắn seal (niêm phong) định vị và cơ quan chức năng hàng hải, hải quan theo dõi hành trình rất chặt chẽ, nên việc cho chuyển cảng để tái xuất không gặp trở ngại.

Thứ hai, các container hàng để tồn tại cảng lâu năm, sàn bị mục và hỏng nhiều, phải sang container là điều bất đắc dĩ, vì sẽ mất thêm nhiều chi phí khác, chứ chưa nói tới việc chủ động chuyển.

"Ngay cả khi hãng muốn trả cũng không dễ. Bởi để vận chuyển hàng hóa trở lại, phải có hóa đơn mua bán giữa người bán hàng và người nhận hàng. Một khi hình thành hợp đồng mua bán, hãng tàu mới đủ điều kiện làm thủ tục và nhận chở hàng. Nếu yêu cầu hãng tàu xuất ngược cũng không được vì không có người nhận sẽ không thể dỡ hàng", chủ một hãng tàu cho hay.

Trong thực tế, một số nước đã trả được container phế liệu tái xuất qua con đường ngoại giao, doanh nghiệp nhận hàng do Chính phủ chỉ định. Nhưng ngay cả việc tái xuất cũng phải có cách xử lý cần quản lý, theo sát số seal, số container trên hệ thống, không cho nhập lại container có số như vậy nhằm tránh trường hợp hãng tàu chở lòng vòng rồi quay lại Việt Nam.

Theo Đời sống
back to top