Doanh nghiệp ấm ức vì “mở tờ khai lúc nửa đêm”, Chính phủ yêu cầu báo cáo

(khoahocdoisong.vn) - Sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có văn bản về việc các doanh nghiệp “gặp khó” trong xuất khẩu gạo, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương báo cáo phản ánh việc mở tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo “lúc nửa đêm”, hạn báo cáo trước ngày 18/4/2020.

Theo báo cáo của VFA gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan, đã có 41/92 thương nhân có ý kiến bằng văn bản đến Hiệp hội nhờ can thiệp, giúp đỡ liên quan đến vấn đề khai báo hải quan.

Doanh nghiệp cho biết, việc đăng ký tờ khai bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ ngày 12/4 và kết thúc chỉ sau 2 tiếng 30 phút cùng ngày, với lý do có 399.989/400.000 tấn gạo đã được đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu. Không có thông tin công bố chính thức trước đó về thời gian mở hệ thống, nên phần lớn các thương nhân bị động, không đăng ký được. 

Thực tế trên dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đang có hàng sẵn sàng trên cảng không được phép xuất khẩu. Một số doanh nghiệp có khả năng phá sản do chi phí phát sinh mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng và phải bồi thường hợp đồng... Nếu không thông quan và xuất khẩu được trong tháng 4 và tháng 5, một số doanh nghiệp sẽ không trả được nợ ngân hàng, ảnh hưởng đến uy tín tín dụng và sự sống còn của doanh nghiệp.

VFA đề xuất cho các thương nhân khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở dang, giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa đang tồn tại các cảng trong thời gian sớm nhất có thể (số lượng thực tế ước không vượt quá 300.000 tấn). Đồng thời, với hạn ngạch 400.000 tấn gạo đã đăng ký được tờ khai xuất khẩu, có thể kiểm tra để phát hiện doanh nghiệp khai báo khống nhằm giữ lượng hạn ngạch.

Trước các thông tin này, ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các bộ liên quan phải báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020. Phải nêu rõ về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống cũng như công tác phối hợp với Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương phải báo cáo về triển khai văn bản 2827/VPCP-KTTH về xuất khẩu gạo và việc phối hợp với Bộ Tài chính trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu theo đề nghị của Bộ Công Thương (400.000 tấn); đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát và không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách… Những nội dung nêu trên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải cáo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/4/2020.

Theo Đời sống
back to top