Đoạn chi do không biết cách bảo quản phần chi bị đứt lìa

Do thiếu kỹ năng, nhiều bệnh nhân sau tai nạn đoạn chi, đứt lìa bàn tay, bàn chân, ngón tay…, đã không có cơ hội được nối lại phần chi đã bị đứt, dẫn đến tàn phế suốt đời.

Anh H, sinh năm 1974, quê Đồng Tháp được đưa đến cấp cứu tại BV Sài Gòn – Ito (Phú Nhuận, TPHCM) trong tình trạng bàn tay phải bị dập nát, đứt lìa hoàn toàn ngón 2,3,4.

Ngay sau tai nạn, anh H. và gia đình đã bỏ trực tiếp phần chi bị đứt lìa vào thùng nước đá và đưa lên BV, với mong muốn BS sẽ nối lại các ngón tay đã đứt cho anh.

Nhưng do bảo quản chưa đúng cách, hơn nữa thời gian di chuyển từ nhà tới BV quá lâu, mất gần 9 giờ đồng hồ nên các mô tế bào đã bị hoại tử. Anh H. đã không có cơ hội được nối lại 3 ngón tay đã bị đứt.

Theo BS CKI Lê Xuân Sơn, khoa chấn thương chỉnh hình BV Sài Gòn – Ito, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H., với các trường hợp chi đứt lìa, thành công của ca phẫu thuật nối chi phụ thuộc vào cách bảo quản ban đầu đối với phần chi đứt lìa. Nếu khâu này thực hiện không đúng thì việc khâu nối sẽ thất bại.

Nguyên nhân là do phần cơ thể bị đứt lìa sẽ không được tưới máu, các mô thiếu oxy và dưỡng chất, trong khi đó, quá trình chuyển hóa ở tế bào lại tạo ra Co2 và các chất độc hại sẽ dần phá hủy các mô tế bào (hoại tử), làm các mô chết dần trong khoảng 2-3 giờ sau đó. Do vậy, nếu được bảo quản đúng cách có thể tăng thời gian sống của nó lên 1-1, 5 lần với điều kiện môi trường bảo quản đạt từ 2-8oC. Thời gian vàng để khâu nối cứu sống thường không được quá 6 giờ sau tai nạn.

Cũng theo BS Sơn, có nhiều trường hợp bị tai nạn bị đứt lìa bàn tay, bàn chân, ngón tay nhưng do bệnh nhân biết bảo quản chi tốt và thời gian vận chuyển người bệnh đến BV ngắn nên hầu hết bệnh nhân đã được thực hiện vi phẫu khâu nối chi thành công.

Cách xử trí và sơ cứu người bị nạn đứt lìa chi

Chứng kiến một phần cơ thể bị đứt rời ra khỏi cơ thể là một điều khủng khiếp gây hoảng loạn cho bản thân người bị nạn và gia đình hoặc những người có mặt tại hiện trường tai nạn. Khi gặp trường hợp đó, điều quan trọng là phải thật bình tĩnh và nhanh chóng sơ cứu người bị nạn ngay lập tức để đảm bảo sự an toàn cho người bị nạn và có cơ hội được khâu nối phần chi đã bị đứt lìa.

Các bước sơ cứu người bị nạn khi bị đứt lìa chi.

BS Sơn khuyến cao, khi gặp tai nạn, ngay lập tức phải thực hiện cấp cứu ngay cho  người bị nạn, bằng cách:

Gọi điện thoại số 115 để được cấp cứu khẩn cấp, nếu vị trí bị nạn cách xa bệnh viện, hãy nhờ thêm sự trợ giúp của nhiều người khác.

Di chuyển người bị thương ra khỏi môi trường bị nạn.

Cầm máu vết thương: Đối với các chi nhỏ (ngón tay-chân, bàn tay, cổ tay), có thể băng ép trọng điểm cầm máu; Đối với các chi lớn (bàn chân, cổ chân, cánh tay, cẳng chân..):  Garo cầm máu, nếu trong điều kiện khó khăn không có sự hỗ trợ y tế có thể dùng vải sạch quấn nhiều vòng quanh chi lưu ý không siết quá chặt phía trên vết đứt rời 10cm để garo (nếu thời gian vận chuyển người bệnh từ nơi bị nạn đến bệnh viện dài thì nên xả garo 90 phút một lần).

Thực hiện các bước để tránh sốc:  Đặt người bệnh nằm và giữ ấm cơ thể bằng cách đắp chăn lên người; Nâng cao vị trí vết thương lên cao bằng tim để duy trì tuần hoàn và lưu lượng máu tới các cơ quan quan trọng.

Tránh mất máu là ưu tiên trong bước sơ cứu này.

Các bước bảo quản phần chi bị đứt lìa.

Nhẹ nhàng rửa chi bằng nước muối hoặc nước sôi để nguội nhằm làm trôi đi các dị vật; Bao gói phần chi đứt bằng miếng gạc sạch hoặc vải sạch; Đặt chi đã được bao gói vào túi nylon sạch và buộc chặt miệng túi; Đặt túi đựng chi vào xô (túi, hộp, thùng ) có chứa nước đá lạnh. Tất cả các thao tác bảo tồn cần làm nhanh nhưng phải cẩn thận, nhẹ nhàng.

Sau đó, vận chuyển ngay người bị nạn và phần chi được bảo quản đến BV chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình trong thời gian nhanh nhất, để việc khâu nối có cơ hội thành công hơn. Tuyệt đối không được rửa chi đứt lìa bằng xà phòng hoặc bỏ vào chậu nước, không bỏ trực tiếp chi đứt lìa vào thùng nước đá lạnh.

Thủy Nguyễn

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top