Đỗ Cảnh Thạc được dân lập đền thờ

Cảnh Thạc được dân lập đền thờ ở nhiều nơi. Đó là vì với thế lực quân sự mạnh, ông đã thiết lập chính quyền và duy trì trật tự tại Đỗ Động Giang để nhân dân có thể sống yên bình là điều cần thiết và thuận lòng dân.

Mộ Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc.

Được suy tôn là thành hoàng làng
Thành Đỗ Động là trung tâm căn cứ của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, còn gọi là thành Quèn hay trại Quyền thuộc Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội ngày nay.

Theo vết tích còn lại, thành hình vuông mỗi cạnh 170m, cao từ 1m50 đến 2m, chân rộng 9,50m, bốn góc thành có 4 u đất, bên ngoài đắp lượn tròn, giữa thành có khu đất cao hình chữ nhật mỗi bề 23m và 20m, được gọi là ruộng cột cờ. Thành nằm sâu bên bờ sông Con, còn gọi là sông Tích, tức sông Đỗ Động, bốn mặt đều có cửa.

Một căn cứ quân sự của ông nữa cũng nằm cách trại Quèn khoảng 20 km theo đường chim bay là đồn Bảo Đà (Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội). Bình Đà nằm ở thượng nguồn nhánh sông Đỗ Động, suốt từ trại Quèn xuống Thiên Phúc, Bảo Đà thuộc Thanh Oai đều thuộc quyền Đỗ Cảnh Thạc cai quản.

Sau khi thống nhất 12 sứ quân, thống nhất lãnh thổ lập lên nhà nước Đại Cồ Việt, khu vực Đỗ Động Giang thuộc về Đạo Quốc Oai, một trong 10 đạo, là các đơn vị hành chính Việt Nam dưới thời Đinh.

Đỗ Cảnh Thạc được thờ ở một số di tích thuộc hai huyện Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội) như đền Tam Xã, đình Sài Khê, đình Thụy Khê, đình Đa Phúc ở xã Sài Sơn, đình Ngô Sài ở thị trấn Quốc Oai, đình Cổ Hiền xã Tuyết Nghĩa và đền thờ ở thôn Bình Đà, Thanh Oai.

Đình Cổ Hiền nằm ở gần sông Tích, được coi là vị trí trung tâm thành Quèn xưa của Đỗ Tướng công. Theo truyền thuyết địa phương, Đỗ Cảnh Thạc là một vị tướng, ngoài những chiến công hiển hách, ông còn là người giúp nhân dân trong “Nông – Trang – Canh – Cửi” nên khi mất được người dân trong lãnh địa suy tôn là thành hoàng làng.

Nhiều nơi lập đền thờ

Đền Tam Xã còn được gọi là quán Tam Xã, đền Trình hay đền thờ Đỗ tướng công nằm ở trung tâm xã Sài Sơn. Xưa dân ba làng Sài Khê, Thụy Khê, Đa Phúc cùng chung một đền thờ. Nay tam xã hợp nhất vào Sài Sơn nên mỗi làng đều xây dựng một ngôi đình để thờ vọng Đỗ tướng công. Vị trí xã Sài Sơn tương truyền là nơi sứ quân Cảnh Thạc hóa.

Đình Ngô Sài ở thị trấn Quốc Oai phối thờ Đỗ Cảnh Thạc cùng Ả Lã Nàng Đề – vị công chúa, con gái vùa Hùng, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Ở đồn Bảo Đà xưa, thuộc thôn Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai còn miếu thờ Đỗ Cảnh Thạc.

Đỗ Cảnh Thạc là một vị tướng tài ba, một danh nhân lịch sử Việt Nam. Sự nghiệp của Tướng quân, Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc được ghi dấu trên ba lĩnh vực: cùng với Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán do Hoàng Thao chỉ huy trên sông Bạch Đằng cuối năm 938; làm quan dưới thời nhà Ngô, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền quân chủ độc lập, tự chủ vừa bước ra khỏi đêm trường 1000 năm Bắc thuộc; duy trì trật tự kỷ cương xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân vùng Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Nội) sống tương đối yên bình trong khi chính quyền trung ương của nhà Ngô đã sụp đổ.

Xét trên lợi ích quốc gia, việc cát cứ của các sứ quân đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc. Nhưng có thể thấy trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng vô chủ, việc tướng quân Đỗ Cảnh Thạc có thế lực quân sự mạnh, thiết lập chính quyền và duy trì trật tự tại Đỗ Động Giang để nhân dân có thể sống yên bình trong vùng đất của họ là điều cần thiết và thuận lòng dân, dù việc này không có tính toàn cục và chỉ diễn ra trong một thời đoạn ngắn, điều đó lý giải vì sao ông vẫn được nhân dân trong vùng chiếm đóng lập đền thờ.

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top