DN chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản đóng cửa, mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD bị lung lay

8 tháng qua, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả nước ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng hơn 42%  so với cùng kỳ năm ngoái, xuất siêu 9,1 tỷ USD, cao nhất so với các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ diễn ra sáng nay (7/9) ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch.

8 tháng qua, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả nước ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng hơn 42%  so với cùng kỳ năm ngoái, xuất siêu 9,1 tỷ USD, cao nhất so với các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid 19 lần thứ 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam, nơi tập trung trên 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, với giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả nước. Ước tính đã có hơn một nửa số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc đóng cửa và giảm công suất hoạt động do dịch.

Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người lao động thì ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD trong năm nay. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Bình Dương đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành gỗ từ vị trí 13 lên mức 8 trong bảng ưu tiên tiêm vaccine của Bộ Y tế, đồng thời tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ.

Theo đó, ưu tiên tiêm phòng cho tất cả lao động trong vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp. Ông Điền Quang Hiệp cho rằng: “Nâng lên vị trí thứ 8 về ưu tiên tiêm vaccine là phù hợp, đây là một trong những vấn đề rất quan trọng. Bởi vì chúng ta có thể nói ưu tiên nhưng nếu không điều chỉnh tiêu chuẩn này thì việc phân bổ vaccine khi tiêm phòng ở các địa phương nơi có trụ sở doanh nghiệp hoạt động vẫn phải đi theo quy chế ưu tiên tiêm phòng vaccine. Đề nghị Bộ đưa vấn đề này vào một trong những ưu tiên đề xuất Chính phủ cho người lao động được tiêm phòng để sớm quay trở lại sản xuất.”

Còn ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các Bộ ngành và địa phương trong triển khai thực hiện tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch của doanh nghiệp. Giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là nguồn tài chính hỗ trợ mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch làm sao có đủ nguồn vốn để có thể phát triển và nắm bắt cơ hội tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ là nội thất lớn của thế giới.”

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp phát huy sự chủ động xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với diễn biến dịch. Theo đó, không chỉ giữ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn đảm bảo các đơn hàng của đối tác từ nay đến cuối năm cũng như sang năm sau. Vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo an toàn, vừa tận dụng những lợi thế, cơ hội của thị trường rộng mở và có nhu cầu cao về đồ gỗ như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định: “Sớm muộn dịch sẽ khống chế, chúng ta phải quay lại cuộc sống. Chúng ta phải chuẩn bị với tinh thần và hành trang, trong khó khăn cũng nhìn thấy nhiều cơ hội về thị trường. Hiện nay, các thị trường có nhu cầu rất lớn đối với đồ gỗ Việt Nam thì đã kiểm soát và phục hồi sản xuất như Hoa kỳ, các nước trong Liên minh Châu Âu. Đề nghị là trong những khó khăn, thách thức hiện nay phải thấy các cơ hội thời gian tới và đặc biệt phải chuẩn bị tâm thế để phục hồi căn cơ bài bản và khả thi. Đây cũng là cơ hội chúng ta đổi mới lại cách quản lý, quản trị của từng doanh nghiệp. Về lâu dài không chỉ là phục hồi mà còn phải thích ứng với dịch để phát triển.”/.

Theo vov.vn
back to top