Dinh dưỡng vitamin P phòng ung thư

(khoahocdoisong.vn) - Vitamin P có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ thành mạch, phòng chống ung thư, giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và các tác hại của gốc tự do.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, vitamin P (hay Rutin, Flavonoid) có vai trò quan trọng đối với sức khỏe nhưng chưa được chú ý đúng mức. Vitamin P bao gồm phần lớn là những sắc tố trong thực vật góp phần làm cho các loại rau quả thêm hấp dẫn bởi vẻ muôn màu, muôn sắc của chúng. 

Vitamin P có tác dụng củng cố và làm giảm tính thấm của thành mạch. Thiếu vitamin này tính chất chịu đựng của mao mạch có thể bị giảm, mao mạch dễ bị đứt vỡ, hiện tượng này trước đây người ta chỉ cho rằng do thiếu vitamin C, gần đây mới phát hiện sự liên quan đến vitamin P. Khi thiếu vitamin P trong thức ăn, tính thấm của mao quản tăng lên, dễ xuất huyết bất thường, mệt mỏi nhanh.

Vitamin P có tác dụng chống oxy hóa mạnh để ngăn chặn các tổn thương do gốc tự do và có thể làm giảm nguy cơ tăng huyết áp. Rutin không những dùng để phòng đột quỵ, còn sử dụng cho những người hồi phục sau cơn đột quỵ và các bệnh xuất huyết khác nhờ tác dụng tăng cường và xây dựng lại các mạch máu bị hư hỏng.

Bổ sung vitamin P sẽ làm giảm mạnh nguy cơ bị đột quỵ lần thứ hai hoặc bất kỳ rối loạn liên quan khác. Nó giúp giảm viêm và giữ cho thành mạch máu  dày và chắc hơn, có thể ngăn chặn nhiều dạng xuất huyết, bao gồm đột quỵ.

Đặc biệt, vitamin P còn có tác dụng phòng chống ung thư và tác hại của tia X, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và các tác hại của gốc tự do. Các flavonoid bao gồm: flavon, flavonol và isoflavon: là nhóm chất chống oxy hóa nguồn gốc thực vật có tác dụng chống ung thư. Flavon (có ở quả chanh) có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ác tính. Quercetin là loại flavon (có ở táo) có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ác tính được nghiên cứu nhiều nhất. Các isoflavon có nhiều trong đậu tương có tác dụng ức chế sự phát triển các khối u ở vú...

Theo PGS.TS Trần Đáng, nhu cầu vitamin P cơ thể mỗi ngày cần là: Trẻ sơ sinh, từ 1 - 3 tuổi: 17mg; Trẻ 4 – 9 tuổi: 20 – 30mg; Trẻ 10 – 12 tuổi: 20 – 30mg; Trẻ từ 13 tuổi trở lên: 30 – 50mg; Người lớn, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú cần từ 40 – 50mg/ngày. Vitamin P có nhiều trong cam, chanh, nho, chè xanh, xà lách và nhiều loại thực vật khác.

Theo Đời sống
back to top