Dinh dưỡng phục hồi xương sườn sau chấn thương

Gãy xương sườn sau chấn thương lồng ngực sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn khó vận động, đặc biệt khi thở sâu, đau khi ho… Do vậy, để nhanh phục hồi, theo các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần tuyệt đối nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ và có chế độ dinh dưỡng đúng.

Tư thế nằm đúng cho người bệnh gãy xương sườn.

Gãy xương sườn có thể do nhiều nguyên nhân. Đa số những người bị gãy xương sườn đều không cần phải phẫu thuật mà chỉ cần chăm sóc đúng cách tại nhà cũng có thể tự lành.

Để giúp xương mau lành, người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh các vận động mạnh. Ngủ ở tư thế nằm thẳng trên lưng hoặc phần thân hơi dựng đứng trên một chiếc ghế nghiêng để tránh áp lực lên xương sườn.

Bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là canxi, magie, vitamin D, K, photpho để kích thích tái tạo xương. Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích bởi chúng có thể làm chậm quá trình liền xương…

Nếu người bệnh thực hiện đúng các hướng dẫn thì trung bình khoảng 1 – 2 tháng là xương sẽ lành. Nếu người bệnh ở độ tuổi thanh niên, xương sẽ phục hồi nhanh hơn so với người trung niên hay người cao tuổi.

Với bệnh nhân gãy xương sườn, cơ thể cần có đủ lượng chất dinh dưỡng để chỗ xương gãy có thể lành lại, do đó phải có chế độ ăn cân đối giàu khoáng chất và vitamin. Ăn nhiều các loại nông sản tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, sản phẩm làm từ sữa và uống nhiều nước tinh khiết.

Để xương mau lành, cần bổ sung những thực phẩm giàu canxi, magiê, phốtpho, vitamin D và K. Tiêu thụ các thực phẩm giàu khoáng chất gồm phô mai, sữa chua, đậu hũ, đậu, bông cải xanh, các loại hạt, cá mòi, cá hồi.

Bên cạnh những thực phẩm cần chú trọng bổ sung, người bệnh nên tránh các thực phẩm cản trở quá trình lành vết gãy như rượu, bia, các loại nước giải khát sủi bọt, thức ăn nhanh và đường tinh luyện. Hút thuốc lá cũng có thể làm chậm quá trình lành của xương sườn và ảnh hưởng xấu đến tất cả các chấn thương cơ xương khác.

Việc áp dụng các bài tập vật lý trị liệu tại vùng xương sườn bị gãy thường áp dụng trong trường hợp sau khi bệnh nhân đã điều trị phục hồi nhằm tăng cường chức năng vùng ngực trong hít thở cũng như chịu được các áp lực bình thường khi cơ thể hoạt động tác động lên vùng xương sườn.

Các bài tập vật lý trị liệu tại vùng xương sườn bị gãy chủ yếu gồm: Tập hít thở sâu và căng trong những ngày đầu. Các bài tập chuyển động vùng khớp bả vai và cánh tay giúp chuyển động xương sườn và khoang ngực.

Ngoài ra, cần tránh các tư thế nằm như nằm sấp, nằm nghiêng hay thường xuyên trở mình. Tư thế nằm ngủ cần thẳng trên lưng để ít áp lực lên xương sườn hoặc nằm phần thân hơi dựng đứng lót một chiếc gối phía dưới (áp dụng trong giai đoạn đầu bị gãy).

BSCK I Đỗ Thu Hà

(Phòng khám Dinh dưỡng,

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top