Dinh dưỡng phòng Covid-19 cho người mắc bệnh nền

(khoahocdoisong.vn) - Người có bệnh lý nền thường có sức đề kháng và miễn dịch yếu, dễ bị virus tấn công, việc điều trị sẽ kéo dài và diễn biến của bệnh cũng phức tạp hơn so với người khỏe mạnh. Để phòng bệnh, những người có bệnh nền, ngoài việc phải điều trị bệnh tích cực, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng bệnh lý và lối sống tích cực.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Suy dinh dưỡng (SDD) là vấn đề phổ biến ở bệnh nhân COPD, trong đó sụt giảm khối cơ và suy giảm chức năng, ảnh hưởng xấu tới mô mỡ và xương, làm cho bệnh nhân có thể suy kiệt. Đồng thời, SDD còn ảnh hưởng tới đáp ứng miễn dịch, tăng nhiễm trùng và làm cho bệnh nặng hơn. Hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân COPD bằng chế độ ăn cải thiện năng lượng và protein trong khẩu phần giúp phòng ngừa sụt cân, cải thiện chức năng cho người bệnh, trong đó có sức mạnh cơ hô hấp và cơ liên sườn.

Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu protein, chất lượng cao như thịt các loài động vật, thịt gia cầm, trứng và cá. Những thực phẩm có nhiều chất xơ, giúp cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu như đậu Hà Lan, khoai tây còn nguyên vỏ, các loại đậu… Tăng cường ăn các loại trái cây và rau quả giàu các vitamin, khoáng chất và chất xơ thiết yếu. Bổ sung các thực phẩm giàu kali như bơ, các loại rau có màu xanh lá đậm, cà chua, chuối, cam… Nên chọn đồ ăn nhẹ và có chất béo như bơ, các loại hạt, dầu ô liu, cá béo, phô mai.

Bên cạnh đó, cần thay đổi các loại thực phẩm và cách chế biến để bệnh nhân dễ ăn, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ ăn giàu chất xơ giúp kích thích nhu động ruột. Chia nhỏ bữa ăn khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Thực phẩm nên được chế biến nhừ, dễ nhai, tránh phải gắng sức khi ăn. Ngoài ra, bệnh nhân cần tập thể dục để nâng cao thể trang.

Suy thận

- Thức ăn nên hạn chế: Muối (ăn nhạt nếu có phù, mỗi ngày chỉ nên ăn từ 2 - 4g muối/ngày); ăn hạn chế đạm thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng, tránh ăn nội tạng động vật; đồ nướng, rán, thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, lạc, hạt điều, dẻ, socola); thực phẩm giàu photpho (phormat, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, đậu đỗ…).

- Thức ăn được khuyến khích: Chất bột (khoai lang, khoai sọ, miến dong); chất đường (đường, mía, mật ong, hoa quả ngọt); chất béo (có thể ăn khoảng 30 - 40g/ngày, ưu tiên chất béo thực vật); bổ sung canxi (sữa); bổ sung vitamin (nhóm B, C, acid folic…).

- Nước uống: Lượng nước uống hằng ngày nên sử dụng = 300 - 500ml (tùy theo mùa) + lượng nước tiểu hằng ngày + lượng dịch mất bất thường, hạn chế đồ uống có ga, cồn (bia, rượu...). Giai đoạn suy thận nặng, bệnh nhân hạn chế uống nước để giảm áp lực cho thận và không dùng nhiều đồ uống lợi tiểu.

BS Tiến Văn (Trung tâm Truyền thông dinh dưỡng)

Theo Đời sống
back to top