Dinh dưỡng người cao tuổi trong dịp Tết

Mỗi khi Tết đến xuân về, gia đình nào cũng muốn chăm sóc ông bà cha mẹ. Tuy nhiên, dinh dưỡng người cao tuổi trong dịp Tết cần khoa học và bồi bổ đúng cách.

Dinh dưỡng người cao tuổi trong dịp Tết phải đảm bảo khoa học.

Người cao tuổi nên dùng bữa như thế nào?

Dinh dưỡng người cao tuổi trong dịp Tết cần đảm bảo đầy đủ chất đạm, chất bột, chất béo để cung cấp năng lượng, cần ăn đủ rau xanh và hoa quả chín để tăng cường chất xơ, vitamin và chất khoáng như canxi, vitamin D… tuy nhiên, cần hạn chế dầu, mỡ, đường ngọt để tránh một số bệnh.

Về ăn:

Giảm lượng ăn vào do nhu cầu năng lượng giảm. Luôn đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày. Bữa sáng, trưa, tối ăn đúng giờ, bữa sáng không nên ăn quá muộn, bữa tối không nên ăn quá khuya, dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn vừa đủ no để dễ tiêu hóa. Ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nên xây dựng thực đơn cho các bữa ăn và thay đổi món ăn giữa các ngày.

Nên ăn thịt nạc, cá, giò lụa, đậu phụ, cơm tẻ. Không nên ăn các thức ăn có nhiều mỡ như thịt nấu đông, giò mỡ, giò thủ, thịt mỡ, lòng, mề, gan… Quá trình tiêu hóa hấp thu chất đạm kém đi ở người cao tuổi, đi đôi với quá trình thối rữa ở đại tràng, làm xuất hiện độc tố.

Nếu bị táo bón, chất độc này bị hấp thu trở lại, gây nhiễm độc trường diễn. Vì thế, cần hạn chế ăn thịt (nhất là thịt mỡ) và thay bằng ăn cá (3-5 bữa/tuần). Nên ăn nhiều chất đạm nguồn gốc thực vật như: đậu đỗ, lạc, vừng, đậu phụ, chứa nhiều chất xơ, có tác dụng giữ cholesterol thừa trong ống tiêu hóa, sau đó nó được thải ra ngoài.

Khi cơ thể thừa chất ngọt, nó sẽ chuyển thành mỡ dự trữ. Ở người cao tuổi, hoạt động của men lipase phân giải mỡ giảm dần và cơ thể có xu hướng thừa mỡ trong máu, dễ gây bệnh tim mạch. Do đó, cần hạn chế ăn chất béo, nên sử dụng dầu thực vật tốt hơn so với mỡ động vật vì nó có a xít béo không no.

Dinh dưỡng người cao tuổi trong dịp Tết phải cân đối, đảm bảo đủ nhu cầu các chất sinh năng lượng là chất đạm, chất bột, chất béo, tuy nhiên, cũng nên ăn đủ rau xanh và hoa quả chín (400 g/người/ngày) để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất.

Các loại rau xanh như rau ngót, cải cúc, súp lơ xanh, cà chua, cà rốt,… các loại gia vị (hành, tỏi, húng, mùi, thì là, mùi …) các loại quả chín như cam, quýt, đu đủ, hồng, xoài, dưa hấu, vú sữa… có chứa nhiều vitamin A, B, C, E,…các chất chống ôxy hóa giúp cơ thể dễ tiêu, làm chậm quá trình lão hóa. Các chất xơ trong rau quả có tác dụng nhuận tràng và tăng đào thải cholesterol.

Dinh dưỡng người cao tuổi trong dịp Tết Không nên ăn mặn, giảm muối, hạn chế ăn đồ muối (tổng lượng muối trong khẩu phần dưới 5 g/người/ngày) giúp phòng tránh một số bệnh tim mạch, huyết áp.

Hạn chế ăn đường, đồ ngọt như các loại bánh, mứt, kẹo… Ăn tăng các thực phẩm giàu canxi như cá, đặc biệt là sữa (mỗi ngày 200-400ml)

Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về uống:

Trong những ngày Tết, việc uống rượu, bia là không thể tránh khỏi, nhưng uống thể nào để vui vẻ, nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe NCT là rất quan trọng, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính. Trước bữa ăn có thể dùng chút rượu nhẹ như rượu vang đỏ (30-50 ml/ngày) để khai vị, có tác dụng tốt cho tuần hoàn, chống ôxy hóa, trung hòa được các gốc tự do, chống ung thư.

Tuy nhiên, không nên cố mời, cố ép các cụ uống rượu bia, và bản thân cũng đừng vì quá vui bạn bè hay chiều lòng con cháu mà uống nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt người mắc bệnh về dạ dày, hen suyễn, tiểu đường, tăng huyết áp…

Người cao tuổi, thường hay quên, đồng thời sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ, vì vậy gia đình cần thường xuyên quan tâm, nhắc nhở và chăm sóc để NCT nhớ uống nước thường xuyên. Hàng ngày, cơ thể con người cần một lượng nước nhất định để bù cho lượng nước đã bị mất đi qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở…Nước có vai trò quan trọng trong điều hòa thân nhiệt, thải độc, giữ cân bằng nội môi…

Trung bình nên bổ sung nước khoảng 1,5-2 lít nước/ngày, số lượng nước 1 ngày bao gồm: nước lọc đã nấu chín, nước trong thức ăn, nước canh, nước quả,…Uống nước cũng cần điều độ, không nên uống nhiều một lần mà nên uống làm nhiều lần. Khi không cung cấp đủ, cơ thể thiếu nước sẽ có biểu hiện da khô, hay bị táo bón, các chất cặn bã đào thải qua thận không được thông thoát sẽ bị đọng lại, dễ tạo thành sỏi đường tiết niệu.

Về nếp sống sinh hoạt:

Trong dịp Tết không chỉ NCT mà ai cũng dễ có nguy cơ ăn nhiều, uống nhiều, chơi nhiều, nhưng lại ít vận động, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính không lây. Nên sắp xếp để các cụ ăn 3-4 bữa vào những giờ cố định; ngủ khoảng 7-8 tiếng và ngủ trưa từ 30 phút đến 1 tiếng một ngày, ngủ đúng giờ.

Nghỉ ngơi và luyện tập đúng giờ như ngày thường, duy trì chế độ tập thể dục, tập dưỡng sinh hay đi bộ vừa sức để khí huyết được lưu thông; không nên đi xa quá, không đi chơi khuya. Những ngày thay đổi thời tiết, trời rét hay mưa phùn, NCT nên vận động ở trong nhà. Nếu dự tiệc vui xuân, các cụ có uống chút rượu, bia thì không nên ra ngoài trời khi vừa mới uống rượu, bia xong để tránh bị cảm lạnh. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào.

Như vậy, những ngày đón Xuân, vui Tết, các cụ thường dành nhiều thời gian để giao lưu, ăn uống, nên cuối ngày, về đêm, lúc đi ngủ, NCT thường thấy mệt mỏi và nếu ăn no, uống nhiều trước khi đi ngủ gây rối loạn giấc ngủ, thì càng mệt mỏi và khó ngủ hơn.

Nên, nếu đảm bảo tốt dinh dưỡng người cao tuổi trong dịp Tết, kết hợp, ngủ, nghỉ ngơi điều độ, thì NCT vừa du xuân vui vẻ, vừa mừng tuổi được họ hàng nội ngoại, vừa sum vầy cùng con cháu, vừa thăm thú được bạn bè, lại vừa nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, và đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết.

PV (Theo Viện Dinh dưỡng)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top