Dinh dưỡng cho bệnh nhân K giáp

(khoahocdoisong.vn) - Ung thư tuyến giáp hay K giáp liên quan chặt chẽ đến phóng xạ tác động tuyến giáp hoặc do di truyền, do gen. Những bệnh nhân mới phẫu thuật ung thư tuyến giáp càng cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Cần chế độ dinh dưỡng phù hợp

Theo ThS.BS Mai Văn Sâm, BV ĐH Y Hà Nội, cơ thể chúng ta cần tất cả các chất, có người cần nhiều chất này hơn, người cần chất khác hơn, có người bị dị ứng, có người không bị, không ai giống ai vì vậy, mỗi người cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đặc biệt, những bệnh nhân mới phẫu thuật ung thư tuyến giáp càng cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Sau mổ nên ăn thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, sữa, đu đủ, rau lá củ cải, khoai lang, chuối; hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ và thức ăn nhanh. Nên ăn thành nhiều bữa và không nên ăn quá no.

Cũng như các cuộc phẫu thuật khác, người mới mổ tuyến giáp nên bổ sung vitamin C để giúp vết thương mau lành. Các loại rau quả tươi đều chứa nhiều vitamin C, ngoài ra nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như hải sản, các loại đậu, các loại ngũ cốc ...Các khoáng chất như kẽm, đồng là những vi chất hỗ trợ chức năng tuyến giáp hoạt động tốt hơn. Thiếu vi chất này, hoạt động của tuyến giáp sẽ bị giảm. Các chuyên gia khuyến cáo, sau phẫu thuật nên bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm, đồng, sắt và các khoáng chất. Các chất này có nhiều trong gan, nấm, củ cải, rau mồng tơi.

Trước khi bị bệnh K giáp, nếu bệnh nhân đã ăn uống cân đối, khoa học, cơ thể không béo, không gầy thì sau mổ vẫn ăn uống, sinh hoạt như ban đầu. Với những người ăn uống không khoa học, kiêng khem quá hoặc xô bồ thì nên điều chỉnh lại cho cơ thể khỏe mạnh hơn. Đã có những trường hợp bệnh nhân trước đó ăn uống xô bồ, mỡ máu cao, uống thuốc hạ mỡ máu nhưng không đỡ. Khi đi khám, phát hiện K giáp, mổ xong đã về thực hiện ăn chay hoàn toàn. Sau một thời gian, người bệnh đi khám, kết quả xét nghiệm, chỉ số mỡ máu về tiêu chuẩn nhưng đã nảy sinh vấn đề mới là kiêng khem quá dẫn đến thiếu chất.

Tránh bổ sung nhiều vitamin B12

Khi tuyến giáp còn thì cần bổ sung iod đầy đủ, không để thiếu và cũng không để quá nhiều. Nếu đã cắt tuyến giáp hoàn toàn do K giáp thì không quan trọng về iod nữa, tuy nhiên không nên cung cấp nhiều để các tế bào còn lại phát triển. Lúc này người bệnh chỉ cần uống hormon giáp đều và đủ mới quan trọng. Nếu người yếu, thiếu máu thì phải ăn uống, tẩm bổ, thiếu sắt thì bổ sung thêm, bổ sung thêm các vitamin tổng hợp và tránh bổ sung nhiều vitamin B12 vì không tốt cho bệnh. Khi các xét nghiệm ổn định, sức khỏe trở lại, người bệnh có thể quay về chế độ ăn uống cân đối. Đối với những người béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… việc tẩm bổ sẽ phản tác dụng. Nếu người bệnh có men gan cao, nên ngừng hết các thuốc, chỉ uống hormon giáp sau đó kiểm tra lại, nếu vẫn cao lúc đó mới đi tìm nguyên nhân.

Tâm lý chung sau mổ của người bệnh ung thư tuyến giáp là sử dụng cấp tập các loại thực phẩm chức năng, thuốc Nam, thuốc Bắc... nhưng cần biết rằng, điều này có thể gây nên những tương tác bất lợi với các loại thuốc đang điều trị. Vì vậy, sử dụng thực phẩm chức năng loại nào, cần trao đổi và được tư vấn rõ ràng từ bác sĩ điều trị.

Khi chữa bệnh K giáp, người bệnh nên lưu ý, trọng tâm nhất của phẫu thuật là mổ sạch, lấy hết u, không gây tai biến; người bệnh uống xạ đáp ứng tốt; uống hormon giáp đủ nhu cầu của cơ thể thì bệnh sẽ ổn định, không tái phát. Ngoài ra, người bệnh cần lạc quan, ăn uống lành mạnh, quên bệnh tật cũng là liều thuốc tốt để thắng bệnh.

Khánh Thủy

Theo Đời sống
back to top