Dinh dưỡng bào thai kém trẻ dậy thì muộn

(khoahocdoisong.vn) - Tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người mẹ có vai trò quan trọng quyết định đối với sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, khẩu phần ăn của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi.

Những người mẹ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và được bổ sung đủ các vi chất dinh dưỡng sẽ sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh. Dinh dưỡng không đầy đủ trong giai đoạn mang thai sẽ làm trẻ chậm lớn và tuổi dậy thì cũng muộn hơn so với trẻ đã đầy đủ dinh dưỡng.

Người mẹ trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển của thai, cơ thể mẹ tăng tích luỹ mỡ là nguồn dự trữ để tạo sữa sau khi sinh con. 

Để đạt mức tăng cân từ 10 - 12kg vào cuối thai kỳ, các bà mẹ cần ăn nhiều hơn để đảm bảo năng lượng tăng thêm 500Kcal/ngày (tương đương 3 bát cơm và thức ăn hợp lý) và đạt mức 2.260Kcal/ ngày đối với người lao động nhẹ và 2.550Kcal/ngày đối với người lao động trung bình.

Đối với chất đạm, phụ nữ mang thai trong thời kỳ 3 tháng cuối phải đạt tới 70g/ngày. Tỷ lệ protein động vật/protein tổng số ≥ 30%. Số lượng protein có thể ước tính là 100g thịt/cá cung cấp khoảng 20g protein, 100g đậu phụ cung cấp 10g protein.

Đối với chất béo cần cung cấp 20 - 30% năng lượng khẩu phần, nên dùng các chất béo không no có nhiều nối đôi có nhiều trong rau xanh, một số dầu ăn (dầu cá, dầu ôliu), một số loại cá mỡ. Nhu cầu lipid của bà mẹ mang thai cũng tăng theo tháng tuổi của thai nhi từ 50 – 70g/ngày, tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng số là 60%.

Sắt và axit folic rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Phụ nữ có thai cần uống bổ sung viên sắt/axit folic (60mg sắt nguyên tố và 400mcg axit folic), liều lượng 1 viên/ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới sau đẻ 1 tháng.

BS Tiến Văn (Trung tâm Truyền thông dinh dưỡng)

Theo Đời sống
back to top