Đình Bảng – Lý Nhân vi mĩ

(khoahocdoisong.vn) - Đình Bảng - Lý Nhân vi mĩ. nghe chuyện của AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn, thấy truyền thống ở làng quê này là những gì hết sức rõ ràng và cụ thể.

Phát triển kinh tế nông – công - thương

Về Đình Bảng hôm nay, làng đã lên phố, nhưng thỉnh thoảng trên đường, bên những ngôi nhà to đẹp như biệt thự, vẫn thấy người ta phơi thóc. Vậy là vẫn có người giữ nghề nông.

AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn, người đã viết rất nhiều sách về làng Đình Bảng, quê mình kể, người Đình Bảng từ xưa đã sống theo nếp: Anh về vui với cày bừa để em tay nải gió đưa phương trời. Người chồng đảm đang việc nhà, nuôi dạy con cái, lo việc đồng áng để vợ đi buôn khắp miền đất nước, vào tận miền tây Nam Bộ.

Ngày xưa, gần như cả làng có nghề nhuộm vải, nhà nào cũng một nửa ở làng, một nửa ở miền Nam. Vì phát triển cả nông công thương nên không lo đói. Đây cũng là bài học Lê Quý Đôn đã tổng kết về chính sách của nhà Lý: phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng.

Ông Thìn bảo, nghe bố kể, ông thích nhất phong cách của người Đình Bảng, phụ nữ đưa được khách buôn về, chồng không ghen mà còn khen vợ đảm. Khách đến nhà này mua hàng thì nhà bên cạnh sang xem nhưng không phải để gièm pha mà nói: Chúng em là người cùng ngõ với bác em đây. Hôm nay thấy các bác từ tận miền Nam ra, vui lắm. Xin kính chào các bác. Hàng của bác em đây chất lượng tốt lắm, các bác cứ yên tâm mua. Nhưng nếu nhà bác em đây mà hàng không đủ thì mời các bác sang bên nhà em, dẫu hàng nhà em chỉ được bảy tám phần so với nhà bác em đây.

Khiêm nhường đấy, nhưng cũng là một cách giới thiệu hàng của mình. Mà một người thiện tâm như thế thì không thể bán hàng giả.

Ngày nay, Đình Bảng là một phường, 16 khu phố với 20.000 dân, gấp 10 lần trước đây. Đất đồng quê bị thu hẹp lại, các khu phố mới, nhà máy, khu công nghiệp, thương nghiệp mọc lên. Vẫn là nông – công - thương, nhưng giờ đầu của người Đình Bảng lớn lắm. Làm nông nghiệp thì có rất nhiều trang trại trồng hoa, cây ăn quả, nuôi cá… Công nghiệp thì sản xuất đủ thứ không thua kém hàng của thủ đô. Người Đình Bảng đi làm ăn buôn bán khắp nơi, năng động sáng tạo và luôn luôn mở to mắt ra nhìn, tai lắng nghe. Đó chính là bản lĩnh sống.

Người Đình Bảng phải biết Lý nhân vi mĩ

Làng Đình Bảng xưa, một làng là một xã, người ta đặt tên 9 thôn ứng với 9 vua Lý (Lý hương Cổ Pháp). Quanh làng trồng tre dày đặc thành lũy tre, bên ngoài có hào sâu từ 2,5-3m, rộng 2-3m, muốn vào làng phải qua cổng. Trong 9 cổng làng, chỉ có 4 cổng chính, to, còn các cổng khác chỉ đủ người và trâu ra vào.

Các cổng lớn đều được xây dựng như pháo đài, cửa chính bằng gỗ lim lớn, phải hai người kéo. Thường là 4h sáng mới mở cho người đi ra đồng, tối 8h đã đóng vào để bảo vệ an ninh của làng. Trước khi Pháp đến xâm lược, ông Thìn vẫn còn thấy những cổng làng ấy. Đến thời chống Pháp mới bị phá đi.

Điểm đặc biệt là phía trên cổng từ trong làng ra, có khắc 4 chữ lớn Lý nhân vi mĩ (người làng quê vua Lý làm việc thiện). Người làng Đình Bảng trước khi bước qua cổng phải đọc để nhớ dù có đi khắp chân trời góc biển thì tâm hồn vẫn gửi gắm nơi quê. Phải nhớ để xứng là người làng Đình Bảng.

Đây là một truyền thống đẹp, thiêng liêng của người Đình Bảng. Câu đó không rõ là của ai, nhưng có thể có từ thời Lý. Bởi vua Lý là người rất bản lĩnh, từ bé đã làm thơ Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi, chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng. Cả làng quê này được giáo dục theo tinh thần làm việc thiện vì thời nhà Lý, đạo Phật là quốc đạo. Cũng có ý kiến cho rằng lời này do thiền sư Vạn Hạnh viết ra.

Vì dân thiện tâm như thế nên ngày xưa, những người có chức sắc như lý trưởng… không dám hách dịch, phải thiện tâm và rất trách nhiệm với dân, phải biết Lý nhân vi mĩ mới được 32 giáp trưởng của làng bầu nên.

Chỉ tiếc rằng, hồi chiến tranh những cái cổng làng bị phá đi, dòng chữ đầy chí khí ấy cũng không còn nữa, nhưng nó vẫn còn trong lòng những người dân Đình Bảng, như ông Thìn. Vì vậy, mỗi khi được mời tới nói chuyện với học sinh, ông vẫn luôn nhắc về ý nghĩa của câu Lý nhân vi mĩ. Để giữ gìn và làm sống dậy một truyền thống đẹp, đáng tự hào.

Thuở sơ khai làng có tên là Dịch Bản, đến trước thời Lý có tên là hương Cổ Pháp thuộc châu Cổ Pháp trong thế đất rất đẹp từ tâm điểm tỏa rộng ra mà ta vẫn gọi là liên hoa bát diệp (bông sen 8 cánh). Làng có tên nôm là làng Báng vì ở đây trồng nhiều cây báng. Các kết quả khảo cổ học cho thấy, đây là vùng đất cổ khoảng từ 3000-3500 năm trước đã định xóm làng bên bờ sông Tiêu Tương, dấu vết con sông vẫn còn, hiện đã được phê duyệt để tái tạo dòng sông Tiêu Tương trên quê hương vua Lý.

Nhiều phong tục rất hay

Trong câu chuyện của mình, ông Thìn luôn nói ngày xưa. Trong cái ngày xưa ấy, làng ông có nhiều phong tục rất hay. Ví dụ, thời chưa có điện, trên cổng mỗi nhà đầu ngõ cho làng để nhờ một cây đèn dầu, cứ bắt đầu tối là thắp lên để cho người qua lại có ánh sáng. Đến khi có điện mới bỏ đi.

Đình Bảng từ xưa đã có nếp sống văn minh, không làm nhà vệ sinh quanh các ao để giữ cho ao sạch sẽ. Nhà vệ sinh phải làm ở góc vườn, phân thì đem đi ủ để đảm bảo sạch làng tốt ruộng.

Một nét đẹp của người Đình Bảng là rất coi trọng phụ nữ. Nhà thơ Hoàng Cầm trong bài Lá diêu bông có viết: Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng. Cửa võng ở đình là nơi thiêng liêng, riêng con gái Đình Bảng được đứng ở đấy để lễ cùng các cụ ông, thể hiện tính bình đẳng, giỏi giang, đảm đang, vai trò quan trọng của người phụ nữ.

Người Đình Bảng từ xưa đã coi trọng việc học, nhưng học để biết chứ không nặng về đỗ đạt. Năm 1929 trường tiểu học Đình Bảng đã được mở, để học sinh không riêng Đình Bảng mà cả Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành, Gia Bình sang học.

Lại còn cái thú ăn thịt chuột của người Đình Bảng cũng không được coi thường. Ăn thịt chuột là một thú chơi sang. Sau mùa gặt, chuột ngoài đồng ăn thóc rơi thóc rụng nên rất béo, người ta mang chó, mang rơm ra hun. Cái lúc con chuột chạy ra, chó đuổi theo, hồi hộp và hào hứng lắm. Rồi lại phải biết cách làm thì mới không hôi, sau đó luộc rồi ép lá chanh hay kho với đậu. Ăn được miếng thịt chuột đó ngon vô cùng. Đã có đoàn làm phim từ Anh đến làm phóng sự về chuyện ăn thịt chuột, xem cách làm và cùng ăn, họ bảo ngon hơn thịt thỏ nhiều.

Ngày nay, nếp sống đã đổi thay. Chỉ nói riêng về ẩm thực cũng đã khác trước. Ngày xưa ăn miếng giò chắc và ngọt, không bở, bánh cuốn thì mỏng và mượt. Bây giờ không phải người ta không làm được như thế, mà làm như thế thì không có lãi.

Rất nhiều thứ đã mất đi. Ngay cả cách nói thế như mà nhà thơ Nguyễn Khôi đã nói là hơi dân kẻ Báng để nhận người làng ở phương xa thì giờ đây chỉ có người gốc quê là còn nói. Chỉ một lời nói ấy thôi mà thân thương vô cùng vì nó gắn bó hồn quê, hồn nước, hồn người.

Chuyện về làng mình, ông Thìn kể cả ngày không hết. Ông đã viết mấy nghìn trang sách về làng Đình Bảng. Nhà thơ Nguyễn Khôi cũng viết đến 4 tập Cổ Pháp ký sự, tức là chuyện xưa làng Cổ Pháp. Viết để các thế hệ sau biết, tự hào và có ý thức giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của làng mình.

Theo Đời sống
back to top