Điều trị loét diện rộng do biến chứng tiểu đường

Tiểu đường tuýp 2 là căn bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi. Trong giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh thường không rõ rệt nên rất khó phát hiện để điều trị. Tuy nhiên nếu lượng đường huyết không được kiểm soát có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Nhiều bài thuốc quý giúp ích cho bệnh tiểu đường

Bệnh viện tỉnh trả về

Trường hợp của bệnh nhân Phạm Thị Rẻo (87 tuổi, Thiện Hối, Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình) hiện đang điều trị biến chứng tiểu đường tại bệnh viện Tuệ Tĩnh. Khoảng tháng 9/2015, khi điều trị viêm phổi mãn tính tại bệnh viện Ninh Bình, bà bị chuẩn đoán tiểu đường tuýp 2 khi đã xuất hiện nhiều vết viêm loét trên cơ thể. Nhiều bệnh cùng với sức khỏe yếu, bệnh viện tuyến tỉnh trả bà về vì không thể đáp ứng điều trị.

Tháng 3/2016, khi được người nhà chuyển đến bệnh viện Tuệ Tĩnh thì bà Rẻo đang trong tình trạng biến chứng tiểu đường nặng, huyết áp cao, cơ thể suy kiệt, không tỉnh táo. Các bác sĩ đã áp dụng điều trị bằng phương pháp kết hợp đông – tây y nhằm kiểm soát đường huyết, huyết áp và tăng cường tuần hoàn ngoại vi cho người bệnh.

BS.Ths Nguyễn Thị Hồng Loan, Trưởng khoa nội tiết BV Tuệ Tĩnh cho biết: “Tình trạng bệnh nhân lúc mới nhập viện rất xấu, đường huyết luôn ở mức 18 – 19 mmol/l, trên cơ thể có nhiều vết loét rộng và sâu, thậm chí có phần lộ cả chỏm xương. Bên cạnh việc kiểm soát đường huyết bằng tiêm insulin, chúng tôi tiến hành cắt các vết loét, làm sạch chỗ bị hoại tử và bơm thuốc vào để kháng viêm, kháng khuẩn và giúp vết thương mau liền.”

Việc tiêm trực tiếp insulin giúp kiểm soát đường huyết nhanh, tốt nhưng có khả năng gây hạ đường huyết chính vì vậy phương pháp này thường áp dụng đối với những ca bệnh cấp cứu. Còn đối với các bệnh nhân bị biến chứng nhẹ hơn thì thường điều trị bằng thuốc uống. Trong giai đoạn đầu điều trị, bà Rẻo tiêm 2 mũi insulin/ngày, sau khi ổn định hơn thì giảm liều xuống còn 1 mũi/ngày. Việc khống chế đường huyết còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc hồi phục của các vết loét vì khi đường huyết tăng các vết loét sẽ sưng lên, tấy đỏ và có mùi.

Kích thích mô hạt phát triển

Đối với bệnh nhân bị viêm loét rộng do biến chứng tiểu đường, nhiều bệnh viện sẽ tiến hành cấy ghép da tự thân, tuy nhiên tại bệnh viện Tuệ Tĩnh, bệnh nhân được làm thủ thuật làm sạch vết loét, lấy đi các phần bị hoại tử và đắp thuốc kháng viêm, kháng khuẩn, kích thích mô hạt phát triển mau liền da, hạn chế được việc da cấy vào bị hoại tử.

Việc điều trị bằng phương pháp này đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả đội ngũ y bác sĩ lẫn người nhà bệnh nhân, vì thủ thuật cần sự tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian. Mỗi lần làm thủ thuật vệ sinh các vết loét của bà Rẻo tốn khoảng 3 giờ đồng hồ. Còn đối với các vết loét ở khu vực bàn chân, mắt cá của bà được đắp thuốc cao đông y đến nay đã hồi phục hoàn toàn.

Trong quá trình điều trị tiểu đường, huyết áp và viêm phổi, bà Rẻo còn bị suy thận. Tuy nhiên sau khoảng 5 tháng điều trị, đến nay tình hình sức khỏe của bà đã hồi phục tốt, đường huyết được khống chế ở mức ổn định 5 – 6mmol/l đo lúc đói, huyết áp ở mức 120 – 130 mmHg, chức năng phổi, thận hoạt động tốt, các vết loét liền dần và đầy lên. Bà tỉnh táo, ăn uống bình thường, có thể trò chuyện với người thân. Khi các vết loét hồi phục hoàn toàn bà có thể xuất viện.

TS Trần Thị Thu Vân, khoa Nội tiết BV Tuệ Tĩnh cho biết thêm: Tiểu đường tuýp 2 hầu như không có triệu chứng rõ rệt, bệnh nhân thường phát hiện khi đã xuất hiện biến chứng nặng. Vì thế khi gặp phải một trong số những biểu hiện như cơ thể xuất hiện vết loét bất thường, lâu liền, chân tê bì, mất cảm giác do biến chứng về thần kinh thì người bệnh không nên chủ quan mà phải đi thăm khám để điều trị kịp thời.

Bình Nguyên

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top