Điều tra bổ sung vụ án liên quan cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương gây thất thoát nghìn tỷ đồng

Viện KSND tối cao vừa ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương.

Theo đó, Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra bổ sung nhiều nội dung liên quan đến hành vi, mức độ làm thiệt hại của các bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Cuối tháng 8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 21 bị can có liên quan.

Trong số này có nhiều bị can là cựu lãnh đạo cao nhất của tỉnh Bình Dương, gồm: Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh…

Cùng với đó, nhiều bị can khác là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bình Dương và các công ty, cùng có tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo kết luận điều tra, trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương), ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương giai đoạn 2010 – 2017 đã cố ý chỉ đạo chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Tân Phú 43ha cho công ty tư nhân, trái với quy định pháp luật và điều lệ, gây thiệt hại số tiền hơn 302 tỷ đồng.

Đồng thời, đưa khu đất 145ha vào diện góp vốn với doanh nghiệp khác mà không tiến hành định giá, không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền hơn 1.160 tỷ đồng.

Hành vi trái pháp luật của bị can Minh được sự tiếp tay đắc lực của nhiều bị can là lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Đối với bị can Trần Văn Nam, trong giai đoạn giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, khi cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương ông đã chủ trì tổ chức họp thường trực Tỉnh ủy, phê duyệt phương án sử dụng đất của đơn vị.

Theo đó khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển về Công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Tỉnh ủy Bình Dương quản lý.

Đến tháng 4/2017, mặc dù biết Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, đã quyết toán thuế vào niên độ tài chính năm 2016, không bàn giao về Công ty Impco là trái chủ trương của Tỉnh ủy và quy định của pháp luật, nhưng bị can Trần Văn Nam đã không chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý để bảo toàn vốn của chủ sở hữu theo quy định mà vẫn tổ chức cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy ngày 17/4/2017. Cuộc họp nhằm thống nhất và quyết định cho Tổng công ty Bình Dương tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 302 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi còn giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương bị can Trần Văn Nam đã ký ban hành nhiều văn bản áp dụng giá đất để Cục thuế Bình Dương áp dụng giá đất đối với khu đất 43ha và 145ha giao cho Tổng công ty Bình Dương, để thu tiền trái quy định pháp luật, gây thất thoát hơn 761 tỷ đồng.

Theo Đời sống
Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. (Ảnh minh hoạ).

Hà Nội và TPHCM có không quá 5 phó chủ tịch UBND

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký xác thực Văn bản hợp nhất ban hành Nghị định quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.
back to top