Điện than thoái trào, các dự án điện khí lên ngôi

Thực tế cho thấy, điện than đang trên đà thoái trào, nhiều tổ chức tài chính từ chối cho vay, các chính sách cho điện mặt trời và điện gió vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, các dự án điện khí lại có nhiều diễn biến mới tiềm năng.

Mới đây, trong Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 1831 vừa ban hành có nhắc tới Dự án Hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Báo Vàng về Quảng Trị.

du-an-dien-khi.jpg

Dự án này nhằm cung cấp khí cho Nhà máy nhiệt điện khí công suất 340MW, do Gazprom EP International B.V (Liên bang Nga) làm chủ đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Quảng Trị.

Quy mô đầu tư của dự án đường ống này là 216 triệu USD và kêu gọi đầu tư theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, mỏ khí Báo Vàng chưa được nhà thầu lập kế hoạch phát triển đại cương (ODP) và kế hoạch phát triển mỏ (FDP). Do đó, chưa có các thông tin cụ thể về hệ thống thiết bị, đường ống dẫn khí, thời điểm mỏ bắt đầu khai thác.

Theo thực tế này, Nhà máy nhiệt điện khí 340MW sẽ cần thêm lượng thời gian đáng kể nữa mới có thể đi tới những bước khả thi hơn trong việc sản xuất ra điện.

Đơn cử, chuỗi Dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, những vướng mắc về thủ tục đầu tư tại Dự án Nhiệt điện Ô Môn II và Ô Môn III trong chuỗi khí - điện Lô B - Ô Môn đang khiến thời gian cập bờ của dòng khí này lại bị đẩy xa.

Tuy nhiên, ở thời điểm đầu tháng 11/2021, chưa có tín hiệu mới nào cho các bế tắc đang diễn ra về thủ tục đầu tư ở Dự án Nhiệt điện Ô Môn II và Ô Môn III. Điều này cũng đồng nghĩa với việc còn rất lâu để có khoảng 4.000 MW điện khí của Trung tâm Điện lực Ô Môn được sản xuất và hòa lưới.

Trong khi các dự án điện từ nguồn khí trong nước gặp nhiều khó khăn khi triển khai thủ tục đầu tư, thì sự có mặt của các dự án điện dùng khí LNG nhập khẩu lại có nhiều động thái mới.

Ngày 25/10, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện lễ khởi động và trao giấy chấp thuận đầu tư Dự án điện khí LNG Quảng Ninh cho Tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni, có công suất 1.500 MW, với kinh phí đầu tư gần 48.000 tỷ đồng.

Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.

Tuy nhiên, việc phủ sóng điện khí LNG nhập khẩu hiện nay còn rất gian truân. Bởi việc đàm phán mua bán điện ở thời điểm hiện nay, khi mà nguồn cung đang dư thừa lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện đang xuống thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh là rất thách thức.

Nếu không cam kết mua sản lượng điện đủ lớn với thời gian dài, thì chắc chắn không bên cho vay nào mạo hiểm xuống tiền vì không nhìn thấy rõ khả năng trả được nợ.

Theo Đời sống
back to top