Điện Biên thừa nhận rừng đặc dụng Mường Phăng đang bị khai thác trái phép

(khoahocdoisong.vn) - Rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng là do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là rừng đặc dụng đầu nguồn thiết yếu bảo vệ nguồn nước của lòng hồ Pá Khoang -  nguồn nước quan trọng đối với vùng lòng chảo Mường Thanh và thành phố Điện Biên Phủ.

Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức họp báo thông tin về thực trạng phá rừng đặc dụng Mường Phăng trên địa bàn hai xã Pá Khoang, Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên Bùi Minh Hải cho biết, qua kiểm tra từ ngày 15/11/2020 đến ngày 14/12/2020, tại các Tiểu khu 714, 708A, 708B, 709A thuộc khu vực rừng đặc dụng Mường Phăng do Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên) quản lý, bảo vệ, đoàn liên ngành của tỉnh Điện Biên đã phát hiện có tổng số 173 cây gỗ bị chặt hạ, cắt khúc, bị lấy mất phần thân chỉ còn phần ngọn.

Khối lượng gỗ còn tại khu vực đã kiểm tra là 20,766 m3, các loài cây chủ yếu là giẻ, vối thuốc, mắc khén, thanh mai và một số loại cây bản địa khác thuộc nhóm gỗ thông thường. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa phát hiện được cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tại xã Pá Khoang, rừng đặc dụng bị cưa, chặt hạ thuộc các khoảnh 4, 5, 8, 9, 11 thuộc các Tiểu khu 714; khoảnh 5, 6 thuộc các Tiểu khu 708A, 708B.

Tại xã Mường Phăng, khu vực xảy ra tình trạng rừng đặc dụng bị cưa, chặt hạ thuộc các khoảnh 4, 5, 6, 8 thuộc Tiểu khu 709A; khoảnh 6 thuộc Tiểu khu 708A; khoảnh 9 thuộc Tiểu khu 709A; khoảnh 5 thuộc Tiểu khu 708B.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa là con số, kết quả cuối cùng, bởi công tác rà soát, kiểm tra, thống kê vẫn được các cơ quan chức năng tiến hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến cho biết, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý và bảo vệ khu rừng này trong thời gian tới.

Theo Đời sống
back to top