Điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tăng mạnh

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ số Công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2019 vừa được Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố. Theo đó mức độ công khai ngân sách các cơ quan cấp Bộ và cơ quan Trung ương được cải thiện đáng kể.

Khảo sát công khai ngân sách (OBI) 2019 được đánh giá trên 3 trụ cột: Minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách. Ở chỉ số công khai ngân sách quốc gia, Việt Nam đạt 38 điểm trên tổng điểm 100, tăng 23 điểm so với kỳ đánh giá 2017. Điều đó đã giúp Việt Nam tăng 14 bậc và xếp thứ 77 trên 117 nước tham gia công khai minh bạch ngân sách.

Về sự tham gia trong khảo sát công khai ngân sách, Việt Nam chỉ đạt 11/100 điểm, tăng 4 điểm so với kỳ khảo sát năm 2017. Kết quả này cho thấy, sự tham gia của người dân vào tiến trình phê chuẩn ngân sách của Quốc hội trong quy trình ngân sách còn hạn chế. Bên cạnh đó, người dân cũng ít hoặc không được tham gia vào việc lập, thực hiện dự toán và kiểm toán ngân sách.

Về giám sát ngân sách, Việt Nam là một trong số 30 nước có xếp hạng đầy đủ về vai trò giám sát của Quốc hội và Kiểm toán nhà nước trong giám sát ngân sách nhà nước. Cụ thể, điểm về vai trò giám sát của Quốc hội đạt 72/100 điểm và Kiểm toán Nhà nước đạt 78/100 điểm.

Về mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương đã có sự cải thiện so với năm 2018, điểm số trung bình đạt 21,2 điểm, tăng 10,2 điểm so với năm 2018. Trong số 44 bộ, cơ quan Trung ương tham gia khảo sát có một đơn vị đạt mức công khai tương đối, 8 đơn vị ở mức công khai chưa đầy đủ thông tin về ngân sách. Bên cạnh đó, có 31 trên tổng số 44 bộ, cơ quan Trung ương có điểm khảo sát kỳ MOBI 2019, chiếm tỉ lệ 70,45%, cao hơn 24,5% so với kỳ khảo sát năm 2018.

TS Ngô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) - đối tác của IBP thực hiện khảo sát OBS tại Việt Nam nhận định: “Minh bạch ngân sách là công cụ giúp tăng niềm tin của người dân với Nhà nước. Khi Nhà nước minh bạch ngân sách, đặc biệt là minh bạch việc phân bổ và sử dụng NSNN, cũng sẽ giúp người dân giám sát được việc tiền đóng thuế của họ được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả hơn”.

Sau 7 kỳ khảo sát OBS - kể từ năm 2006, chỉ số OBI của Việt Nam có xu hướng tăng và giảm nhẹ qua các kỳ đánh giá 2010 - 2017 và tăng nhanh trong năm 2019. Kết quả này cho thấy, Chính phủ và Bộ Tài chính đã nỗ lực thực hiện các cam kết công khai thông tin về quản lý và sử dụng nguồn lực công, để người dân có thể tham gia thảo luận về ngân sách với những cải cách về pháp luật và thể chế quản trị ngân sách theo hướng minh bạch hơn.

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top