Điểm mặt thói xấu của người già vào mùa lạnh

(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù mùa đông chưa tới nhưng tiết trời se se lạnh cũng đủ khiến người già co ro và bắt đầu sợ và ngại làm một số việc như sợ tắm, ngại giặt quần áo, ngại phải đi ra ngoài… Những thói quen xấu này vô tình hại sức khỏe người già.

Bốc mùi vì lười tắm

Lười tắm là “bệnh” của người già, đặc biệt, “bệnh” này trầm trọng hơn khi nhiệt độ bắt đầu xuống thấp. BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105 cho biết, nguyên nhân của nỗi sợ này là bởi người già sợ lạnh.

Việc cho tay vào nước, thậm chí là cởi bộ quần áo trên người đang mặc cũng khiến người già sợ hoặc ngại. Hơn thế, người già thường có quan điểm mùa đông không ra mồ hôi nên cơ thể không bẩn. Quan điểm này là rất sai lầm. Cần nhớ rằng, ngay cả mùa đông thì cơ thể vẫn tiết mồ hôi và da vẫn tiết ra các chất bẩn. Nếu không tắm, mồ hôi ẩm và bã nhờn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh sinh sôi gây nguy hiểm đến sức khỏe người già.

Bà Laurie L. Dove, Tạp chí chăm sóc người cao tuổi Agingcare (Mỹ) cho rằng cần khuyến khích người già tắm hoặc vệ sinh thân thể một cách đầy đủ bất kể thời tiết nóng hay lạnh. Việc tắm không chỉ giúp loại bỏ các chất bẩn bám trên cơ thể mà đồng thời còn giúp các các mạnh máu lưu thông. Tốt nhất ngày nào cũng tắm hoặc dù ngại người già cũng nên duy trì tắm 2 ngày/lần.

Những ngày không tắm, người già cũng cần thay quần áo mới và vệ sinh thân thể, chú ý những vùng dễ bị vi khuẩn bám lại như cánh tay, nách, ngực, vùng kín... Đặc biệt, người già cần tránh việc tắm bằng nước quá nóng.

Một lưu ý nữa là cần phải đảm bảo sự an toàn cho người già khi tắm. Tốt nhất nên trang bị ghế ngồi tắm, thanh vịn bên cạnh vòi sen hoặc bồn tắm để người già có thể bám, vịn. Ngoài ra, phòng tắm cần ấm áp có bình nước nóng, đèn sưởi ấm...

Chất vi khuẩn vào người vì quần áo bẩn

Cùng với lười tắm, người già cũng lười luôn việc giặt giũ quần áo. Xuất phát từ tâm lý sợ nước, ngại nước và “có đi đâu đâu mà bẩn” nên một bộ mặc liền 2 ngày, tắm mới thay, hoặc thậm chí là tắm xong lại mặc lại.

Và điều gì sẽ xảy ra khi người già mặc lại những đồ dùng đã bám đầy bụi, vi khuẩn... Ngứa ngáy khó chịu, thậm chí là mắc các bệnh về da là hệ lụy của việc mặc quần áo bẩn.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Vệ sinh Nhà sạch cho biết, quan điểm ít đi ra ngoài, quần áo không bẩn của người già là rất sai lầm. Cần nhớ rằng, quần áo bẩn không chỉ bởi bụi mà còn bẩn do quá trình sinh sống và ăn uống, ví dụ khi nấu ăn dầu mỡ dính vào hoặc khi ăn uống, thức ăn rơi xuống quần áo.

Đấy là chưa kể, cơ thể chúng ta cũng tiết ra bã nhờn. Vì vậy, với đồ lót, áo thun, quần mặc trong, tất… cần phải thay và giặt hàng ngày bởi chúng tiếp xúc trực tiếp với da nơi bám lại mồ hôi và mùi cơ thể.

Kể cả khi người già không tắm thì khi vệ sinh cá nhân quần áo mặc trong cần được thay và đem đi giặt và phơi khô. Đặc biệt, cảm nhận của người già thường không được tốt vì thế đôi khi không cảm nhận được độ khô của quần áo. Con cái cần hỗ trợ trong việc kiểm tra quần áo cho bố mẹ.

Với quần áo mặc ngoài như áo len, áo khoác, khăn quàng cổ, những thứ người già mặc bên ngoài thì có thể mặc vài lần mới giặt. Tuy nhiên, những loại quần áo đã mặc này cần treo lên mắc chứ không được vứt vạ vật. Người già, có thói quen là vứt quần áo hoặc gấp lại để ở đâu đó trên giường để lấy cho tiện là rất sai lầm.

Hụt vitamin D, trầm cảm vì ngại ra ngoài

Người già thường có xu hướng ngại ra ngoài, vào mùa lạnh xu hướng này càng tăng, người già thích ở trong nhà xem tivi, đọc báo, nằm trên giường… than thở sự già thay vì phải đi ra ngoài. Theo cách chuyên gia thói quen này vô cùng nguy hiểm. Việc “ru rú” trong nhà dễ khiến người già rơi vào trạng thái cô đơn, sống tách biệt với thế giới bên ngoài… Không những vậy, việc ở lỳ trong nhà còn khiến người già mất đi cơ hội được cung cấp vitamin D, vốn rất thiếu hụt ở người già.

Vì vậy, hãy rời nhà bất cứ lúc nào có thể để bước chân ra ngoài. Việc tản bộ, dã ngoại, tập thể dục ngoài trời là vô cùng có ích cho người già trong việc cải thiện tâm trạng và cung cấp vitamin D. Vào ngày rất lạnh, và mưa, nếu không thể ra ngoài, người già hãy mở cửa hoặc kéo rèm để đón ánh nắng tự nhiên vào nhà.

Ngoài ra, dù ở trong nhà, người già cần tránh việc ngồi im một chỗ. Các hoạt động đi lại trong nhà, làm việc nhà cũng là cách để người già vận động.

Theo Đời sống
back to top