Dịch kéo dài, doanh nghiệp khốn đốn

Đứt gãy nguồn lao động do giãn cách, giá nguồn nguyên vật liệu tăng cao và tình trạng ngăn cấm di chuyển giữa các khu vực, các địa phương... khiến các doanh nghiệp chật vật duy trì sản xuất.

Chưa có phương án phù hợp

Trong thời gian qua, liên tục các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng, Chính phủ về khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã liên tục cảnh báo về tình trạng đổ vỡ chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh - xuất nhập khẩu thủy sản.

Cụ thể, VASEP cho biết, các vùng nuôi tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu hiện không thể xuất hàng do ảnh hưởng từ lệnh giãn cách. Cá, tôm nuôi tại ao vượt size, nhà vườn tốn thêm chi phí nuôi nhưng giá khi bán ra lại thấp hơn so với chuẩn kích cỡ.

Các nhà máy chế biến thủy sản cũng đang cố gắng hoạt động cầm chừng. Đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông Nam Bộ đóng cửa. Doanh nghiệp đánh giá, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, tạm thời để duy trì sản xuất trong thời gian ngắn, không thể kéo dài hơn 1 tháng.

Hiệp hội Da giày cũng cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… - những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn trong các khu công nghiệp - phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Còn tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp chỉ hoạt động với 50 - 70% công suất.

Chuỗi cung ứng ngành ô tô bị ảnh hưởng, tuy nhiên nguyên nhân không phải do Covid-19, mà nguyên nhân là do hạn chế thương mại của Mỹ đối với các nhà sản xuất chip, vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc.

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo giao hàng kịp thời, đúng thời gian theo hợp đồng với đối tác, nhiều doanh nghiệp đứng trước sức ép phải tăng giờ làm cho số lao động tự nguyện và có nguy cơ vi phạm số giờ tăng ca theo quy định của Bộ Luật lao động (số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; không quá 300h/năm).

Dù doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các biện pháp, sáng kiến ứng phó đại dịch chưa từng có tiền lệ, tuy nhiên “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” khiến nhiều nhà máy đối diện với nguy cơ bị đối tác trả lại hàng do không đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh, lao động…

Thông suốt hàng hóa

Chính phủ hiện có rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, từ các nhóm giải pháp trước mắt như thúc đẩy tốc độ tiêm văcxin cho người lao động, giảm chi phí sản xuất thông qua các chính sách giãn, hoãn các khoản phải nộp... đến những giải pháp dài hạn hơn như cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn...

Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã xấu hơn rất nhiều so với một vài tháng trước.

Nhiều ngành, lĩnh vực đã rơi vào thế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông hàng hóa khi các lần giãn cách tiếp tục kéo dài. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất là mắt xích trong các chuỗi cung ứng đã phải dừng hoạt động, giảm công suất...

Nguy cơ mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng đã xuất hiện trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ.

Đặc biệt, lực lượng lao động về quê tránh dịch đang khiến doanh nghiệp khó có thể quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu.

Do đó, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay cần phải đặt trong một chương trình phục hồi, kích thích kinh tế, với hệ thống các giải pháp tạo nên sức cộng hưởng, từ đầu tư công, kích thích đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài...”.

Trước mắt, muốn bắt đầu phục hồi, cần để doanh nghiệp hoạt động trở lại. Do đó, hàng hóa cần được lưu thông, công nhân phải được trở lại nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng ách tắc lưu thông, cả con người lẫn hàng hóa chỉ bởi các yêu cầu giấy phép không phù hợp.

Đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.

Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, cần sớm giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Trong đó, phải bỏ được các quy định chống dịch thực hiện thiếu thống nhất tại các địa phương đang gây ra rào cản cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong quá trình cung ứng hàng hóa.

Thêm vào đó, khi Chính phủ xác định chiến lược tiêm chủng văcxin toàn dân là phương án hữu hiệu đối phó với dịch. Nhưng khi nguồn văcxin có hạn, thì nên trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn văcxin cho công nhân, đảm bảo sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn, cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường.

Bên cạnh đó là huy động mọi nguồn lực tại chỗ, từ nguồn nhân lực, vật lực, tài chính như đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực, thương nhân, nhà sản xuất, mặt bằng kho bãi, nhân lực vận hành, phương tiện vận tải, thiết bị công nghệ, tài chính... kịp thời thay thế các chuỗi cung ứng dài bằng chuỗi cung ứng ngắn tại các địa phương có dịch.

Theo Đời sống
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
back to top