Dịch Covid-19 lây lan diện rộng: Tự giác và trách nhiệm vì sự bình an

(khoahocdoisong.vn) - Từ ngày 27/1 đến 17h ngày 2/2/2021, đã có 276 ca mắc Covid-19 mới tại 10 tỉnh, thành phố (không tính các ca nhập cảnh). Với sự biến chủng của virus có tốc độ lây lan mạnh đòi hỏi sự tự giác và trách nhiệm của mỗi người dân để chúng ta có thể đón Tết Nguyên đán an toàn.

Virus lây nhiễm cao và làm tăng nặng một số bệnh

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19), chỉ trong vòng 7 ngày (từ 27/1 - 2/2), từ ổ dịch Hải Dương, dịch đã lan ra 10 tỉnh thành: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bình Dương, Hải Phòng, TPHCM, Bắc Giang... khiến nhiều địa phương bị phong tỏa, hàng trăm trường hợp F1 phải đi cách ly và hàng ngàn trường hợp phải cách ly tại nhà.

Qua phân tích tình hình dịch tễ, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, vụ dịch đang bùng phát khó khăn, phức tạp hơn và khác Đà Nẵng bởi tốc độ lây nhiễm của virus rất cao.

Mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

“Hiện chúng tôi chưa có hết kết quả giải trình tự gene của các bệnh nhân. Qua phân tích giải trình tự gene của trường hợp người Việt Nam đến Nhật Bản, đó là chủng mới với khả năng lây nhiễm rất cao, rất nhanh. Thực tế, chúng vừa lây nhanh, vừa có khả năng tăng nặng một số bệnh. Tiểu ban Điều trị có báo cáo một số trường hợp rất trẻ nhưng có dấu hiệu đang chuyển nặng. Điều đó khiến chúng tôi rất lo lắng”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Vấn đề thứ hai là chu kỳ lây nhiễm. Trước đây, chu kỳ của virus này tại Việt Nam ước tính khoảng 4 - 5 ngày. Lần này, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn lại.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện virus lây qua không khí với hệ số lây nhiễm cao. Thực tế, chỉ trên một xe, 10/11 người lây nhiễm, hệ số lây nhiễm rất cao. Trước đây, chuyên gia tính toán là 4 - 5 (nghĩa là 1 người có thể lây cho 4 - 5 người) nhưng giờ là hơn 10 người.

Thứ 3 là thời gian khởi phát rất nhanh. Trước đây, thời gian ủ bệnh khoảng 5 - 7 ngày, hiện vào ngày thứ 2, người bệnh bắt đầu có dấu hiệu ở vùng hầu họng, khả năng nhân lên của virus và khả năng đào thải mầm bệnh là rất cao. Vừa qua, chúng ta đã thấy có chu kỳ lây nhiễm thứ 4.

Các chuyên gia cho biết, chủng virus biến thể mới xâm nhập vào Việt Nam có nguồn gốc từ Anh và Nam Phi. Chủng virus biến thể ở Anh có khoảng 20 đột biến, trong đó có nhiều đột biến tác động tới cách thức virus xâm nhập tế bào người và lây bệnh. Còn biến thể 501Y.V2 ở Nam Phi có khả năng lây nhiễm gấp 1,5 lần và có khả năng tiến hóa và thích nghi. Ở Việt Nam xác định một bệnh nhân (là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh, hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2) nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi.

Khu cách ly tại Hải Dương.

Khu cách ly tại Hải Dương.

Nâng cao mức độ đối phó

Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo, cần thay đổi phương thức sâu sắc để đối phó với đợt dịch, nâng cao một mức so với trước đây. Sự thay đổi đầu tiên là không chờ truy vết mà khoanh vùng nhanh và rộng ngay. Bất cứ nơi nào có bệnh nhân là phải khoanh vùng rộng hơn và lấy mẫu triệt để người dân sinh sống ở đó. Việc phong tỏa cũng phải làm nghiêm túc hơn. Bên cạnh đó, những trường hợp F1 cũng cần nâng mức đánh giá vì nguy cơ mắc bệnh cao. Khi truy vết F1, cơ quan y tế phải truy vết ngay F2.

Vậy mà vẫn có tới 20% các F0 (bệnh nhân mắc Covid-19) khi được phát hiện đã không hợp tác. Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1, F2 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do "Tôi rất khoẻ, tôi có làm sao đâu"...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kêu gọi người dân ở vùng có dịch, thực hiện thật tốt các quy định phòng chống dịch, đồng thời sử dụng tối đa các công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin cho Tổ Thông tin, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về tất cả những người đã tiếp xúc trong khoảng thời gian vừa qua và kêu gọi những người này dù đang ở đâu cũng cần chủ động khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Việc này không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn vì sự an bình của cả đất nước.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, để phòng chống dịch Covid, Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện tốt các điểm sau đây:

- Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn

- Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc.

- Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.

- Liên hệ ngay với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19: http://www.bluezone.gov.vn.

Theo Theo KH&ĐS
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top