Dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng: Lại vào trận “chống giặc”

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam ghi nhận 15 ca nhiễm mới từ cộng đồng. Ngày 29/7 có thêm 219 công dân, trong đó 129 người dương tính với Covid-19 từ Guinea xích đạo về Việt Nam. Chủng virus mới được phát hiện có tốc độ lây lan nhanh và hàng vạn người đi du lịch Đà Nẵng về các tỉnh nên khả năng sẽ xuất hiện nhiều trường hợp lây nhiễm.

Tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường rà soát bệnh nhân

Chỉ trong 4 ngày (từ 25 - 27/7) Việt Nam đã phát hiện 15 ca dương tính với Covid-19 sau 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng virus của bệnh nhân ở Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7/2020, đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa. Dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Hiện nay, đang là mùa hè, việc đi lại giữa các tỉnh, thành rất lớn và nhiều người dân đã không còn tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện và lây lan tại cộng đồng. Khách du lịch tại Đà Nẵng khoảng 80 nghìn người, trong đó có khoảng 15 - 20 nghìn người từ Đà Nẵng sẽ trở ra Hà Nội nên nguy cơ rất cao. Nhiều người từ Đà Nẵng trở về có biểu hiện ho, sốt đã được cách ly và chờ kết quả xét nghiệm.  

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị cần ngăn chặn tối đa, không để lây lan. Với khách du lịch từ Đà Nẵng thuộc trường hợp F1 - F2 thì phải theo dõi, cách ly, xét nghiệm... theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các ổ dịch lớn như ở Bệnh viện Bạch Mai. Chúng ta vừa phải dập dịch nhanh, giữ xã hội ổn định và phát triển nên phải có những quyết định rất chính xác. Vai trò của lực lượng điều tra dịch tễ học, phối hợp với công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, véc-tơ truyền bệnh là vô cùng quan trọng.

Phó Thủ tướng yêu cầu không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh... Bộ Y tế khẩn trương triển khai xét nghiệm bằng các loại kit thử mà Việt Nam sản xuất; bảo đảm đầy đủ kit thử, trang thiết bị y tế và những điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh khi xuất hiện các tình huống mới. Tinh thần là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.

Kích hoạt đội truy vết không để dịch vùng phát

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ 0h ngày 28/7/2020 ít nhất trong 14 ngày. Tuy nhiên, tại những điểm là ổ dịch thì thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-Ttg về việc cách ly xã hội và việc phân định này do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần tập trung xử lý triệt để các biện pháp phòng chống lây nhiễm đối với 3 bệnh viện: Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và 3 quận: Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và Hải Châu là những địa điểm, khu dân cư có nguy cơ lây nhiễm rất cao.  

Chuẩn bị xét nghiệm Covid-19 tại chỗ.

Chuẩn bị xét nghiệm Covid-19 tại chỗ.

Để phòng tránh các ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ, Bộ Y tế và các tỉnh, thành đã thực hiện hàng loạt hoạt động chống dịch, đặc biệt là Bộ Y tế đã cho kích hoạt lại đội truy vết do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách.

Bộ Y tế cũng sẽ cho khoanh vùng các trường hợp nguy cơ cao để thực hiện lấy mẫu diện rộng bằng cả 2 phương pháp xét nghiệm là kháng nguyên và kháng thể mà Việt Nam đã sản xuất được, phát hiện sớm nguồn lây.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đang vào cuộc rốt ráo và nhiều biện pháp "lần đầu tiên" đang được triển khai: Lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai 3 tổ công tác hỗ trợ xét nghiệm, điều tra dịch tễ và điều trị cho Đà Nẵng. Đây là đội chuyên gia có kinh nghiệm nhất hiện nay, với nhóm bác sĩ từng điều trị cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh, nhóm điều tra dịch tễ từng có mặt tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, nhóm xét nghiệm với sự chủ trì của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Cũng lần đầu tiên Bộ Y tế đã cho triển khai xét nghiệm bằng test nhanh trên diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao ở Đà Nẵng. Các test nhanh có độ nhạy, độ đặc hiệu lên tới 95%, không có phản ứng chéo với các bệnh khác và rất phù hợp để sàng lọc ngoài cộng đồng.

Tính đến 13h ngày 28/7, Đà Nẵng chính thức thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 theo nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố (thay vì chỉ ở 6 quận).

Hàng trăm ca nhiễm không làm thay đổi kết quả chống dịch

Trước tình hình chủng virus mới lây lan nhanh hơn, nguy cơ dịch bùng phát diện rộng ở các tỉnh, thành phố tại Việt Nam và đặc biệt là ngày 29/7 có thêm 219 công dân, trong đó có 129 người dương tính với Covid-19 từ Guinea xích đạo về Việt Nam, TS Kidong Park, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, việc xuất hiện lại các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam là điều bình thường. Nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội. Hệ thống giám sát y tế của Việt Nam đã hoạt động hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, tổ chức cách ly, giám sát.

“Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa rồi”, ông Kidong Park bày tỏ. Đối với dự báo Việt Nam sẽ có thêm hàng trăm ca nhiễm khi đón công dân từ nước ngoài về, WHO và các tổ chức quốc tế bày tỏ tôn trọng quyết định rất đặc biệt này. Việc này có thể làm cho số ca nhiễm bệnh ghi nhận tại Việt Nam tăng nhanh, nhưng không vì thế làm thay đổi kết quả, thành công chống dịch của Việt Nam.

PGT.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để phòng tránh dịch bệnh lây nhiễm trong thời gian này, mọi người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đó là: đeo khẩu trang; tránh giao tiếp quá gần; không tập trung đông người, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý mạn tính; không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết và thực hiện khai báo y tế.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top