Địa phương nào để văcxin hết hạn do không sử dụng phải chịu trách nhiệm

Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng hạn sử dụng của văcxin Pfizer.

Theo đó, các lô văcxin có hạn dùng in trên nhãn là 6 tháng được cập nhật hạn lên 9 tháng. Cụ thể, văcxin có hạn sử dụng in trên bao bì là tháng 10/2021, tháng 11/2021, tháng 12/2021, tháng 1/2022, tháng 2/2022, tháng 3/2022 thì hạn cập nhật mới (tăng thêm 3 tháng) lần lượt là: tháng 1/2022, tháng 2/2022, tháng 3/2022, tháng 4/2022, tháng 5/2022, tháng 6/2022.

Trước đó, Bộ Y tế mới thông báo về việc tăng hạn dùng từ 6 tháng lên 9 tháng đối với 9 lô văcxin Pfizer có mã số 124001, 123002, 126001, 123001, 128002, 129001, PCA0006, PCA0017, PCA0021. Trong đó, 4 lô có hạn dùng in trên nhãn là ngày 30/11, hạn dùng mới đến ngày 28/2, gồm 124001, 123002, 126001, 123001. Các lô còn lại có hạn dùng in trên nhãn là ngày 31/12, hạn dùng mới đến ngày 31/3.

hn-tiem-tre.jpeg
Địa phương để vắc xin Pfizer tăng hạn không sử dụng phải chịu trách nhiệm

Bộ Y tế nhấn mạnh, việc tăng hạn dùng đối với văcxin Pfizer được áp dụng chung trên toàn cầu, không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của văcxin, được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Ngày 22/8/2021, ngày 10/9/2021 và ngày 20/9/2021, Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan quản lý Dược châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt việc tăng hạn dùng của văcxin Comirnaty từ 6 tháng lên 9 tháng kể từ ngày sản xuất ở điều kiện bảo quản từ -90 độ C đến -60 độ C .

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm văcxin phòng COVID-19 năm 2021- 2022 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các lô văcxin Comirnaty (Pfizer BioNTech) được tăng hạn nêu trên được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn cho các đối tượng tiêm chủng, phụ huynh những thông tin đầy đủ về hạn dùng của văcxin nêu trên.

Địa phương nào để văcxin hết hạn do không sử dụng, phải tiêu hủy thì giám đốc sở Y tế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Theo Đời sống
back to top