Đi tìm vật liệu thay thế cát tự nhiên

(khoahocdoisong.vn) - Việc khai thác cát quá mức làm ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở bờ sông... Chính phủ đã có Nghị định 23/2020 để tăng cường ngăn chặn “cát tặc”.

Sản lượng cát đáp ứng 50%

Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, đến năm 2018, tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền khoảng 692 triệu m3. Công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Trong khi đó, theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thì nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung về cát tự nhiên chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu cát xây dựng.

Tình trạng thiếu cát xây dựng luôn diễn ra dẫn đến giá cát tăng cao, khai thác trái phép cát, sỏi trên sông diễn ra ngày càng phức tạp.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, trong đó quy định: “Không sử dụng cát, sỏi lòng sông có đủ chất lượng làm cát, sỏi xây dựng dùng cho mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng”.

Đồng thời, tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP cũng đã đề ra nhiều phương án phối hợp giữa các địa phương, quy định về thuyền khai thác cát cho đến những chế tài mạnh để răn đe nạn cát tặc… Tuy nhiên, nhu cầu lớn dẫn đến nguồn lợi cao, nạn “cát tặc” vẫn hoành hành mạnh mẽ tại nhiều địa phương.

Nghịch lý giữa nhu cầu xây dựng hạ tầng phát triển và nguồn tài nguyên cát sỏi ngày càng khan hiếm, đã đặt ra cho các cơ quan chức năng, nhà khoa học việc cấp bách tìm nguồn vật liệu thay thế hợp lý. 

Kinh nghiệm từ nhiều nước trên giới cho thấy, ngay từ thập niên 1970, họ đã bắt đầu sử dụng tro xỉ, tro trấu… làm vật liệu san lấp, làm ổn định nền móng, đất nền, làm gạch ốp lát, gạch xây, gạch lót đường, làm bê tông xi măng xây dựng cảng…

Để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thay thế cát tự nhiên, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, trong đó có quy định về cát nghiền cho bê tông và vữa. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để việc sản xuất và tiêu thụ cát nghiền được mở rộng trong thực tế.

Tiếp cận mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) cho biết, các nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn để thay thế vật liệu xây dựng là cát. Ví dụ, các vật liệu cứng như gạch đá, phế phẩm, vật liệu đã qua sử dụng có thể tái tạo, xay ra thành cát để làm vật liệu thay thế. Cách tiếp cận mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn này vừa không lãng phí, vừa thân thiện với môi trường, giảm áp lực khai thác cát…

Các vật liệu có thể sử dụng gồm: Cát nghiền, đá mi bụi, cát lòng hồ thủy điện, cát nội đồng... Khối lượng của các loại vật liệu thay thế này rất phong phú, đáp ứng được nhu cầu trong tương lai. Nhưng thực tế hiện nay, các loại cát này rất ít được đưa vào các công trình xây dựng, phần vì nguồn cung, chất lượng không đều, phần vì giá thành cao.

Ngoài ra, tro xỉ cũng là một lượng tài nguyên khoáng sản thứ sinh có thể tái chế có sản lượng cực kỳ dồi dào. Xỉ lò cao cũng được sử dụng làm vật liệu thay thế cho cát tự nhiên trong xây dựng. Khi thay thế cát bằng xỉ lò cao, cường độ nén của xi măng tăng.

Một vật liệu khác cũng có thể thay thế cát tự nhiên trong xây dựng đó là tro bay. Các nghiên cứu cho thấy, bê tông sử dụng 30% tro bay thay thế cho cát tự nhiên có cường độ chịu lực tốt. Bụi đá từ các máy nghiền đá kết hợp với tro bay có thể thay thế 100% cát tự nhiên trong xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế tro xỉ từ các lò đốt hiện nay tại Việt Nam, nhất là tại các lò luyện thép, thường lẫn nhiều hóa chất độc và các loại kim loại nặng khác nhau. Thành phần trong tro xỉ phụ thuộc vào nguồn than, công nghệ đốt… các chất độc hại trong tro xỉ có nhiều các chất thuộc 5 nhóm trong đó có kim loại nặng, furan, dioxin, thậm chí có cả phóng xạ. 

Đối với tro xỉ của Việt Nam, đã từng có nghiên cứu cho rằng than ở Quảng Ninh lượng chứa thủy ngân là 0,464mg/kg, than Nông Sơn còn có chất phóng xạ… Do đó, tại Thông tư 36/2015, Bộ TN&MT đã đưa tro xỉ của nhiệt điện than vào danh mục các chất thải nguy hại. 

Theo Đời sống
Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở của hộ gia đình, cá nhân (còn gọi là chung cư mini) trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ
back to top