Đi nước ngoài là “phần thưởng” trước khi “hạ cánh”

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng cán bộ đi nước ngoài không đơn thuần là làm việc. Nhiều khi đó là phần thưởng trước khi nghỉ hưu. Vì “lâu rồi chưa được đi”… Nhiều nơi lạm dụng chủ trương này. Hiệu quả của các chuyến đi ấy thì vô cùng, khó đánh giá, trong khi ngân sách Nhà nước chi trả hàng năm thì rất lớn.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam.

Đi vì nhu cầu cá nhân

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương giai đoạn từ 2012-2016. Trong số này, Bộ Công Thương là cơ quan có số lãnh đạo đi công tác nước ngoài rất nhiều, trong đó có cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Cụ thể, năm 2014 ông Hoàng tham gia 23 đoàn đi nước ngoài; con số này vào năm 2015 là 22 đoàn. Tổng số thời gian cựu bộ trưởng Bộ Công Thương ở nước ngoài lên tới 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm. Chuyện này không mới, nhưng liệu có tình trạng “thanh tra đâu sai đó”?

Việc các bộ ngành, địa phương tổ chức đoàn đi nước ngoài cũng mang lại một số lợi ích như góp phần thành công trong các đàm phán các hiệp định thương mại, quảng bá hình ảnh, tiếp thu kinh nghiệm…

Tuy nhiên có nhiều đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là để kết hợp đi tham quan, du lịch. Vấn đề này đã nói suốt mấy chục năm nay rồi, nhưng đến giờ vẫn không khắc phục.

Vì sao lại khó thế?

Cán bộ đi nước ngoài phải có mục đích, nội dung làm việc, kết quả làm việc, thu được gì, giải quyết vấn đề gì… Nhưng tôi thấy nhiều cán bộ không bám vào cái đó mà đi nước ngoài chủ yếu để giải quyết nhu cầu cá nhân, đi để biết, tham quan, du lịch là chính. Đi nước ngoài vì lợi ích cá nhân nhiều hơn là do nhu cầu công việc.

Việc học tập huấn có làm nâng cao chất lượng công chức?

Đây là một vấn đề tế nhị. Vấn đề là họ tiêu tiền như thế nào. Anh đi học thì phải đúng là học thật, chứ không để tình trạng học một vài chuyên đề rất ít, còn chủ yếu là anh đi nọ đi kia, kết hợp đi tham quan du lịch là chính.

Theo quy định thì việc cán bộ đi nước ngoài để làm gì?

Về nội dung, theo quy định của Nhà nước có Nghị định 18 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, việc đào tạo ở nước ngoài tập trung vào 2 mảng vấn đề, một là học tập trao đổi kiến thức kinh nghiệm quản lý hành chính nhà nước, quản lý chuyên môn, hai là kinh nghiệm học tập hội nhập kinh tế quốc tế.

Vậy là ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, về nhà có giỏi hơn?

Chúng ta chưa nói đến nội dung của từng đoàn đi được hay không được. Mà trên lý thuyết, đòi hỏi phải đạt được của việc đi học tập ở nước ngoài bao gồm thứ nhất là tăng cường năng lực để làm việc tốt hơn.

Năng lực nằm ở chỗ có thể thu nhận kiến thức tốt hơn, mở rộng tầm nhìn để làm chính sách tốt hơn. Có thể anh thu nhận những kiến thức, kỹ năng để làm việc tốt hơn. Hai là đào tạo để trang bị cho đội ngũ nguồn nhân lực tương lai cho tốt hơn. Mục tiêu khá rõ ràng, nhưng đó là về lý thuyết.

Còn thực tế?

Vì anh làm việc tốt, vì anh có quan hệ tốt với tôi, thì khi có đoàn đi thì tôi gửi anh đi đào tạo, chứ tôi không nhằm tăng cường năng lực của anh hay không, hay vừa mới đi hay đã đi lâu rồi. Trường hợp coi đào tạo như  một phần thưởng này, trong thực tế lại khá phổ biến.

Hồi tôi còn làm, nhiều vị vụ trưởng, vụ phó, trước khi nghỉ hưu thường đề xuất đi nước ngoài như là một phần thưởng. Tình trạng này khi đó cũng khủng khiếp lắm. Trường hợp cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng là vì sắp nghỉ nên mới đi nhiều như thế.

Người giỏi ít được đi

Giả sử nếu quy định rõ việc đi nước ngoài phải đạt được hiệu quả nào đó, nếu không sẽ bị xử lý, thì hẳn không có chuyện cán bộ xin đi để du lịch là chính?

Thực ra ta chưa có một đánh giá quy mô lớn để xem hiệu quả đến đâu. Đánh giá hiệu quả là một trong những đánh giá khó. Đa phần người được đi là lãnh đạo. Còn cán bộ bình thường, dù có giỏi, cũng ít được đi. Ví dụ nếu được đi đào tạo, anh sẽ được trau dồi kiến thức. Hoặc là anh sẽ về viết báo, hoặc là anh sẽ viết bài nghiên cứu. Thì rõ là lợi cho cá nhân anh quá. Còn một số người cắp cặp đi cắp cặp về, sản phẩm đâu không thấy, còn chỉ đạo thì vẫn thế. Như thế thì nó không hữu ích lắm.

Bất cập ở đây là gì thưa ông?

Thực trạng đó cho thấy ta chưa chú trọng đào tạo ở nước ngoài theo mũi nhọn. Đào tạo mũi nhọn là đào tạo đội ngũ chuyên gia, chỉ tập trung vào một nhóm người có năng lực thực sự. Cứ ông trưởng ông phó là được đi, thì làm sao mà có chất lượng được. Hôm nay họ đi Mỹ, mai họ đi châu Âu, châu Á, châu Úc, thì họ cũng chỉ đến thế thôi.

Vì sao người giỏi lại ít được đi?

Vấn đề này nó tế nhị ở chỗ những người giỏi muốn đi thì phải thi theo tiêu chuẩn ngặt nghèo của chương trình. Còn bình thường, các khóa ngắn hạn mà ai cũng có thể đi được, có phiên dịch, thì chủ yếu dồn vào lực lượng lãnh đạo.

Nếu các khóa học được tổ chức đúng cách, đáp ứng đúng yêu cầu nghề nghiệp công việc, sử dụng được kiến thức đã học, có lựa chọn… thì không nói làm gì. Nhưng tiếc là quá ít. Đa phần coi đó là một phần thưởng.

Như ông nói, vì đâu mà tình trạng người trước khi về hưu lại được ưu tiên đi nhiều?

Vì coi nó như một bổng lộc, phần thưởng nên người giỏi, người trẻ mới khó có cơ hội đi học tập nước ngoài, còn người sắp “hạ cánh” lại tích cực học tập trau dồi kinh nghiệm. Đó là điều rất phi lý.

Số người sắp về hưu đi học nhiều, có lẽ vì họ muốn trau dồi để cống hiến nốt những gì có thể làm?

Nhiều vì còn vài tháng nữa thì về hưu vẫn đi nước ngoài học tập kinh nghiệm. Về góc độ cá nhân thì cũng tốt thôi, nhưng về kinh phí nhà nước thì cũng phải xem xét lại. Đi với tâm lý “còn bổng lộc gì hưởng nốt” là không ổn.

Đi cho biết, để học hỏi

Không đánh giá hiệu quả phải chăng là nguyên nhân làm cho tình trạng đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài của cán bộ bị lợi dụng?

Ta phải đánh giá ở góc độ nó có đem lại lợi ích hay không, khóa học này có áp dụng được hay không. Ta xem cái cách người học trở về và đóng góp được gì cho  ngành. Còn nếu chỉ để đi cho biết, để học hỏi, du lịch là chính thì nó phí tiền.

Thực trạng này nhức nhối thế mà không ai nói?

Tôi nhớ trước đây một số đại biểu Quốc hội đã báo cáo việc ta tổ chức đi nước ngoài nhiều quá. Cán bộ ra nước ngoài thường được các cơ quan ngoại giao đưa đón, ăn ở rất chu đáo nên người ta cũng thích đi. Nhưng ta không quản lý được là bởi không có quy trình rõ ràng và chưa có công cụ kiểm soát quyền lực. Có khi chính các quy định lại là kẽ hở cho người ta lợi dụng.

Tôi tưởng các quy định của ta đã khá rõ ràng?

Vấn đề là người ta có hiểu rõ không. Ví dụ ở nước ngoài, nhận một chuyến du lịch là quà biếu, nếu bị phát hiện, cán bộ có thể mất chức như thường. Nhưng ở ta, thế nào là quà biếu? Rất khó định nghĩa một cách chính xác, rõ ràng.

Liệu có giải pháp nào cho vấn đề này?

Coi tiền của nhà nước là tiền “chùa” thì ta không thể sử dụng nó hiệu quả được Cán bộ đi nước ngoài phải có mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Ví dụ mục tiêu đào tạo bồi dưỡng những người trong đội ngũ chuyên gia, người hàng đầu đóng góp tài năng cho nền công vụ thì hãy đào tạo. Ngoài ra phải giám sát tốt hoạt động này, ai vi phạm xử lý ngay.

Xin cảm ơn ông!

“Đào tạo bao giờ cũng xác định là con đường cơ bản nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức. Nhưng đào tạo thì phải xác định là lâu dài và tốn kém. Bản thân con đường đã chông gai như thế mà ta lại lợi dụng cái khó đánh giá, khó tìm kiếm đó, lợi dụng “hắt nước theo mưa”, đi du lịch tham quan là chính, thì không nên”.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top