Đi học trở lại: “Chữ thầy lại trả cho thầy”

(khoahocdoisong.vn) - Theo phản ánh của giáo viên một bộ môn, có tới 27/38 học sinh đã không thuộc bài khi đi học trở lại sau kỳ nghỉ dịch. Tình trạng “chữ thầy lại trả cho thầy” diễn ra ở nhiều lớp, nhiều trường.

Quá nửa lớp không học bài

Theo phản ánh của một giáo viên Toán một trường ở Hà Nội, khi cô giáo tiến hành kiểm tra kiến thức cơ bản học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài chống dịch Covid-19 thì có tới 27/38 học sinh không thuộc bài. Bài kiểm tra ngày trước đó nhiều học sinh sao chép của nhau. Rất nhiều học sinh thiếu bài tập bổ sung đủ.

Từ đó, cô giáo đã yêu cầu học sinh không thuộc bài chép kiến thức cơ bản đóng khung ở trong sách theo yêu cầu, có xác nhận của cha mẹ học sinh, đề nghị cha mẹ học sinh quan tâm sát sao đôn đốc nhắc nhở quản lí học sinh học và làm bài nghiêm túc.

Một giáo viên chủ nhiệm khác thì chia sẻ, trong giai đoạn học online, rất nhiều học sinh không hề có ý thức học bài. Có những em, cô theo dõi thấy có đọc bài tập cô giáo nhưng không làm. Còn một số em thì thậm chí còn không cả thèm đọc bài tập lẫn lời nhắn của thầy cô giáo. Những em này, khi đến trường kiến thức đã hổng rất nhiều, và các thầy cô lại phải lên kế hoạch để bù lại phần kiến thức đó cho các em.

Cô giáo Lê Hương Giang, Trường THPT Đại Mỗ, Hà Nội chia sẻ, sau dịch, chỉ cần dạy một vài buổi là biết được chất lượng học online trong mùa dịch của các em như thế nào.

Với những em trước đây chăm học, có ý thức, thì khi học online cũng vẫn giữ thói quen này, như ở lớp 10 mà cô chủ nhiệm thì hầu như các em đều học rất tốt. Còn đối với các em bình thường khi học trên lớp đã không chăm, không có thói quen tự học thì khi nghỉ dịch là một điều kiện các em càng lười, mất hẳn thói quen học tập, “chữ thầy lại trả cho thầy”.

Ngoài ra, trong số các em có hiệu quả học online thấp cũng có học sinh lớp 12 đã xác định học theo khối, nhóm ngành lựa chọn. Với các môn không thuộc nhóm ngành mà các em lựa chọn thì các em không học. Với những em này, gần như phải dạy lại từ đầu.

Trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19, lịch trình sinh hoạt, học tập của nhiều em bị xáo trộn. Buổi tối thường thức khuya. Buổi sáng thì dậy muộn, có khi 12 giờ trưa mới dậy. Điều này đã tạo thành một thói quen xấu. Khi đi học trở lại cũng vẫn giữ thói quen thức khuya thì dậy muộn, từ đó lên lớp thấy uể oải, mệt mỏi, khó tập trung, tiếp thu bài.

Theo cô Giang, để bắt nhịp lại được với nhịp độ khi đi học trở lại, thì các em phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều và cần có sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường đôn đốc, rèn lại thói quen cho con, sát sao với con nhiều hơn nữa.

Không học bán trú, vất vả cả giáo viên lẫn phụ huynh

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về những khó khăn khi học sinh đi học trở lại, thầy Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Nguyễn Công Trứ, Hà Nội cho biết, trong tuần đầu tiên phải tách lớp nên số tiết của các thầy cô phải nhân đôi. Mỗi một lớp từ 35 - 45 học sinh phải giãn cách, phải nhân đôi số lớp dẫn tới nhân đôi số phòng, nhân đôi số lượng công việc.

Đối với lớp 9 ưu tiên dạy đầy đủ 6 buổi/tuần. Nhưng đối với khối 6, 7, 8 thì không thể dạy đủ 6 ngày mà chỉ một nửa. Một nhóm học 2, 4, 6; một nhóm dạy 3, 5, 7 Theo lịch này, học sinh sẽ học ít tiết hơn và phải chọn một số môn có trọng điểm để dạy trên lớp còn thì vẫn phải dạy online. Do không thể xếp thời khóa biểu được.

Vấn đề nảy sinh tiếp theo, những giáo viên dạy lớp 9 sẽ bị quá tải vì số tiết phải nhân đôi. Có những giáo viên phải lên lớp rất nhiều, hơn 30 tiết một tuần. Trong khi theo quy định là chỉ 19 tiết một tuần. Chính vì vậy mà nhà trường lại phải điều chỉnh số giờ, phân công chuyên môn.

Ngoài ra, những việc như việc đo nhiệt độ vào đầu giờ sáng, cuối buổi, làm vệ sinh, làm các thủ tục thêm rất nhiều công việc. Và trong quá trình quản lý cũng vậy, từ việc xếp thời khóa biểu, phân công dạy chuyên môn… rất vất vả.

Sang tuần thứ hai hết giãn cách thì có đỡ áp lực hơn. Nhưng việc không được học bán trú khiến cả thầy trò, phụ huynh đều vất vả. Rất nhiều phụ huynh kêu với nhà trường về việc này, vì không thể sắp xếp được lịch nửa buổi đón con. Tuy nhiên, nhà trường cũng không biết làm thế nào, do dịch bệnh nên đều phải cố gắng. Có nhiều thầy cô trong trường cũng có con học tiểu học, cũng rất khó khăn trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con.

Dưới tiết trời nắng nóng, các phụ huynh đưa đón con không thể di chuyển vì đường tắc nghẽn. Ảnh: KH&ĐS.

Dưới tiết trời nắng nóng, các phụ huynh đưa đón con không thể di chuyển vì đường tắc nghẽn. Ảnh: KH&ĐS.

Ngày 11/5, học sinh mầm non và tiểu học của Hà Nội đã đi học trở lại. Theo ghi nhận của phóng viên KH&ĐS, nhiều tuyến phố của Hà Nội bị ùn tắc trong giờ các em tan học. Cả phụ huynh và học sinh đều bị kẹt cứng dưới trời nắng nóng. Nhiều phụ huynh chia sẻ, các trường sẽ sớm quay trở lại việc học bán trú để các phụ huynh đỡ vất vả, khó khăn trong việc đưa đón con học nửa buổi.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top