Đi học đâu chỉ có điểm

i học đâu chỉ có điểm, mỗi bài kiểm tra đâu phải chỉ đánh giá về kiến thức, mà qua đó ta học được tính trung thực, lòng dũng cảm.

Hình minh họa.

Trả bài thi môn văn, con bé được điểm cao nhất. Nhưng các bạn không phục vì biết trong lúc thi, nó mở điện thoại và chép được. Cô giáo cũng nhận xét văn quá hay, cứ như của người khác. Điểm thì đã vào sổ rồi, chẳng thay đổi được gì. Nó vẫn là người điểm cao nhất.

Tôi cứ tự hỏi, được điểm cao như thế để làm gì? Tự hào gì khi đó chẳng phải kiến thức của mình. Nhưng khổ nỗi, với một số người kết quả cuối cùng là cái điểm số đó mới là điều họ quan tâm, họ làm mọi cách để được điểm cao.

Chỉ cần thế thôi, không quan tâm tới người khác nghĩ gì, đánh giá gì, thậm chí nó ảnh hưởng gì tới đạo đức, nhân cách của mình.

Tôi có người bạn học, ngồi cùng bàn suốt mấy năm học cấp hai. Bạn học kém hơn tôi, có những hôm kiểm tra toán, thấy bạn loay hoay, mồ hôi vã cả ra vì chưa tìm được cách giải, tôi đẩy bài sang cho chép, nhưng bạn lại đẩy lại.

Mấy lần như thế, tôi thấy bực, cứ nghĩ bạn sĩ diện mà không chịu chép bài. Nhưng sau này nghĩ lại, tôi thấy phục bạn vì lòng tự trọng.

Xét cho cùng con người ta hơn nhau chính ở lòng tự trọng, chứ điểm cao điểm thấp, quần áo đẹp hay xấu, xe cũ hay mới, nhà to hay bé, giàu hay nghèo… thì cũng chỉ là phù du, có lúc này rồi lại mất lúc nào chả biết. Chỉ có lòng tự trọng, tự ý thức về phẩm giá, nhân cách của mình là đáng kể.

Rồi những lời dị nghị về bài văn ấy cũng qua đi, bạn bè cũng quên đi. Quãng đời học sinh có biết bao bài thi, bao nhiêu điểm số, bao nhiêu sự kiện, ai còn nhớ được chuyện ấy.

Nếu cô bé đó biết sai, biết nhớ để rút kinh nghiệm thì còn may. Nếu không, cái thói gian lận ấy sẽ còn theo suốt đời, sẽ tạo nên một tính cách xấu.

Đi học đâu chỉ có điểm số, mỗi bài kiểm tra đâu phải chỉ đánh giá về kiến thức, mà qua đó ta học được tính trung thực, lòng dũng cảm. Kiến thức của mình thế nào thì nhận điểm thế ấy, không nhận cái gì không phải của mình.

Khổ nỗi, từ học sinh đến phụ huynh và ngay cả giáo viên cũng vì quá quan trọng điểm số mà bỏ qua cái cách để đạt được điểm đó. Kể cả nó là gian lận, thiếu trung thực.

Tại sao lại vì cái lợi trước mắt là điểm số cao hay thấp ấy mà đánh đổi lấy cái lâu dài là nhân cách, đạo đức, cái sẽ theo mình suốt cả cuộc đời?

Minh Anh

Theo Đời sống
back to top