Dệt may chật vật xoay xở

(khoahocdoisong.vn) - Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, ngành dệt may phải thay đổi chiến lược sản xuất và xuất khẩu. So với nhiều nước, dệt may Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn, dù mức độ không nặng bằng. Tuy nhiên, khả năng xoay xở để chuyển hướng vẫn rất khó.

Chuyển hướng sản xuất

Theo số liệu từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn đều sụt giảm nghiêm trọng. Tính riêng quý 2/2020, doanh thu thuần của tập đoàn giảm 36% so với cùng kỳ. Không chỉ nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn, mà thị trường xuất khẩu cũng giảm mạnh.

Trước tình hình này, Vinatex xác định hai mục tiêu quan trọng là bảo vệ nguồn nhân lực và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khắc phục khó khăn bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Để đảm bảo duy trì hoạt động và việc làm cho người lao động trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều công ty dệt may đã tự tìm hướng đi riêng cho mình. Cụ thể, Dệt May Nam Định đã đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Thông qua mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm hoàn tất cho các công ty may. Đồng thời, công ty nâng cao liên kết chuỗi sợi - dệt - nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định.

Phó Tổng Giám đốc Vinatex - ông Cao Hữu Hiếu - cho biết, để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp đã phải chủ động điều tiết sản xuất, đồng thời linh hoạt điều chỉnh các đơn hàng nhằm đáp ứng tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các nguồn lực, phát triển thị trường ngách, nhận những đơn hàng nhỏ, khó, đòi hỏi kỹ thuật cao...

Theo ông Hiếu, để ứng phó với Covid-19, các doanh nghiệp dệt may đã phải ưu tiên cắt giảm chi phí thường xuyên và thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh thay cho việc cắt, giảm lao động. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp lo ngại sẽ không tuyển dụng lại được lao động khi thị trường khôi phục, hoặc vẫn cần sản xuất cầm chừng để giữ thị trường và thị phần.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho hay, xét về mức độ suy giảm chung của ngành dệt may trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn là điểm sáng. Tuy nhiên, những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất. Ngành dệt may đang nỗ lực bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, sản xuất cả những mặt hàng chưa từng làm để hạn chế suy giảm cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Lưu Tiến Chung, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty May Bắc Giang (LGG) cho biết, dịch Covid-19 đang tiếp tục gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng cho ngành dệt may. May Bắc Giang cũng như nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất sang các sản phẩm phòng chống dịch, khẩu trang, đồ bảo hộ... Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp rất khó chuyển đổi sản xuất nếu không có sự hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi.

LGG là doanh nghiệp nhận được khoản giải ngân khoảng 2,7 triệu USD từ gói tài chính toàn cầu trị giá 1 tỷ USD của ngân hàng Standard Chartered. Khoản tín dụng này được sử dụng làm vốn lưu động phục vụ hoạt động chuyển đổi sản xuất, nhờ đó LGG triển khai được các hoạt động sản xuất khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ cá nhân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

May Bắc Giang LGG chuyển đổi sản xuất khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ chống dịch.

May Bắc Giang LGG chuyển đổi sản xuất khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ chống dịch.

Khó trông chờ vào “nội địa”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng may mặc 6 tháng đầu năm 2020 giảm 1,2%. Điều này cho thấy, ưu tiên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chú trọng hơn vào nhu cầu về lương thực, thực phẩm, chứ không phải quần áo may mặc. Mặt khác, trong điều kiện bình thường, quy mô ngành Dệt May Việt Nam đã vượt quá xa nhu cầu nội địa với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 90% và 10% phục vụ trong nước. Vì vậy trông đợi vào thị trường nội địa “giải cứu” cho xuất khẩu ngưng trệ là lời giải khó thực hiện.

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong-Trung Quốc cho biết, ngành dệt may Việt Nam không có chuỗi cung ứng đầy đủ nên rất khó tận dụng lợi thế của các FTA. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam rất thấp là không tự chủ được vấn đề xuất xứ hàng hóa. Với hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được phê chuẩn, dệt may Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị gia tăng thêm cho ngành.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng: "Chúng ta phải chấp nhận một cuộc chơi mà ngày hôm nay thế này, ngày mai khác rồi, phải hoàn thành những đơn hàng đang có, với chất lượng, năng suất tốt nhất và đúng hạn, để tránh được rủi ro lớn nhất về mặt tài chính là hủy hàng. Các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý về câu chuyện quản trị sản xuất, đáp ứng tiêu chí, sáng tạo, linh hoạt, thay đổi, thích ứng trong tình hình mới hiện nay. Trong 6 tháng cuối năm 2020, các doanh nghiệp dệt may phải thực hiện quản trị chi phí sản xuất chặt chẽ, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Theo số liệu điều tra vào tháng 4/2020 với hơn 3.000 doanh nghiệp đã cho kết quả ngành may mặc có số lao động chỉ còn khoảng 20% và doanh nghiệp dệt chỉ còn 24,5% số lao động so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), do thiếu đơn hàng nên nhiều công ty đã phải chủ động giãn việc, công nhân nghỉ việc luân phiên hoặc cho nghỉ việc không lương. Toàn bộ Vinatex có hơn 26.000 lao động bị thiếu việc. Theo tiểu ngành, các công ty dệt của Vinatex thiếu khoảng 10 - 15% việc làm trong khi doanh nghiệp dệt sẽ thiếu 40% việc làm từ tháng 5/2020.

Để giải quyết những khó khăn này, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng, rất cần có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp. Bởi, hiện nay còn quá ít doanh nghiệp dệt may thụ hưởng các giải pháp hỗ trợ. Ngoài ra, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp dệt may, việc giãn, giảm hoặc miễn thuế không có nhiều tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp của ngành; quy định hoãn đóng bảo hiểm xã hội hiện chưa hợp lý và người lao động không được hỗ trợ hiệu quả, trong bối cảnh Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động bị buộc thôi việc do Covid-19 nhưng rất khó tiếp cận do thủ tục quá rườm rà.

Theo Đời sống
Nhiều sai phạm tại Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An

Nhiều sai phạm tại Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An

Ngoài việc nghiệm thu, quyết toán không đúng khối lượng, đơn giá hạng mục tại nhiều công trình, Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An còn không nộp trả ngân sách Nhà nước chi phí quản lý dự án, đầu tư xây dựng không có đối tượng chi trả.
back to top