Đến A Pa Chải

(khoahocdoisong.vn) - Đến A Pa Chải, vùng đất cực tây của tổ quốc, nơi có cột mốc số 0, nơi ngã ba biên giới, một con gà gáy cả ba nước đều nghe thấy, nơi vẫn còn những đứa trẻ ngồi xem xe rải nhựa đường bụi mù và khét lẹt như một trò giải trí.

Đường lên Tây Bắc

Vừa rồi, đoàn chúng tôi mang áo ấm lên cho các cháu mầm non và giáo viên của 11 xã ở huyện Mường Nhé (Điện Biên). Từ Hà Nội lên Điện Biên gần 500km, từ thành phố Điện Biên Phủ vào đến huyện Mường Nhé là 200km, và từ huyện vào A Pa Chải gần 70km. Dốc Pha Đin, A Pa Chải... những địa danh nghe đã thấy xa lắc, đã thấy say xe.

Nhưng đường lên Tây Bắc đẹp vô cùng: những triền núi trắng xóa lau, sậy và chít (loại cây vẫn dùng để làm chổi), tím màu hoa cứt lợn, rải rác những đám hoa cúc quỳ và tua tủa những măng tre, mùa đông mà núi rừng vẫn xanh mướt mải.

Có đoạn gần đến đèo Pha Đin, mây đổ xuống trắng xóa như một thác nước cực lớn, đẹp sững sờ. Vậy nhưng mọi người đều bảo đẹp nhất phải là khoảng tháng 3, khi hoa ban nở. Núi rừng trắng hoa, rập rờn như những cánh bướm.

Quãng đường đó đi ô tô phải hết 2 ngày. Cánh lái xe bảo, nếu gặp mưa thì không thể đi được. Mấy hôm đấy trời nắng đẹp mà có đoạn đường cũng bị đá lăn, anh phụ xe phải xuống vần hòn đá ra vệ đường thì mới qua được. Bên đường, còn thấy chiếc xe tải nhỏ bị hỏng hóc gì đó, phải đỗ lại, đã thấy hai vợ chồng anh lái mang nồi ra, kê mấy hòn gạch nấu cơm ngay cạnh đấy. Chắc đi nhiều trên đoạn đường này, họ có kinh nghiệm chuẩn bị cho những tình huống như vậy.

Vất vả thế mà cũng mới chỉ đến được cột mốc số 3. Mấy anh bộ đội biên phòng cho biết, muốn đến cột mốc số 0 phải đi 20km nữa, mà đường đang sửa, chỉ đi xe máy được khoảng 3km, còn lại đi bộ khoảng 5 tiếng. Thế nên dù khao khát đến được điểm cực tây của tổ quốc, vùng đất đặc biệt nơi ngã ba biên giới giữa Việt Nam- Trung Quốc- Lào, cũng đành chịu, hy vọng còn dịp khác.

Một phần lớn hàng phải dỡ ở huyện để chuyển vào cho các xã và các điểm trường ở xa, đoàn chúng tôi chỉ trao quà cho các cháu ở xã Sín Thầu, mà cũng chỉ đến được điểm trường chính, còn có những điểm trường cách đó đến 20km thì không vào được. Vậy mà mỗi trường mầm non có đến 5-6 điểm trường và các cô giáo phải cắm bản.

Gian nan việc học

Chúng tôi đến đây đúng dịp các giáo viên đang rất lo lắng vì chương trình hỗ trợ học sinh mầm non miền núi vùng sâu, vùng xa 120.000đ/tháng (từ 2010- 2015) vừa hết. Tức là trước đó phụ huynh cho con mang cơm không đến lớp, các cháu sẽ được trường phát thức ăn. Còn mấy ngày qua chưa biết chương trình có được tiếp tục nữa không, một số gia đình đã cho con nghỉ học vì họ bảo đến lớp mà cũng ăn cơm không giống như ở nhà thì đến làm gì.

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, hiệu trưởng trường mầm non Sín Thầu cho biết, vừa nghe tin chương trình sẽ được tiếp tục, dù chưa có quyết định chính thức, nhưng đã có thông báo các trường được ứng trước tiền ăn cho các cháu, các cô cũng đã thở phào. Vì dù số tiền hỗ trợ chỉ là 120.000đ/cháu/tháng, nhưng có ý nghĩa rất lớn, nếu bị cắt thì chắc chắn vỡ lớp do gia đình không cho con em đến trường. Sự nghiệp giáo dục ở miền núi thật gian nan!

Cô Lâm Thị Nguyệt (sinh năm 1985), cán bộ phòng Giáo dục huyện Mường Nhé kể, hồi trước học cấp 2 cô phải học nội trú, đi bộ từ nhà đến trường mất 3 ngày. Mỗi lần về thăm nhà rồi trở lại trường, một nhóm phải đi với nhau, mang cơm nắm theo, ngủ trong rừng, vất vả và nguy hiểm lắm.

Ở quê, lúc ấy người ta mắng bố mẹ cô là dở hơi vì cho con gái đi học. Nhà nghèo, nên bố mẹ chỉ nuôi cho cô là chị cả học, còn sau cứ đứa lớn phải nuôi cho đứa bé đến lúc học xong. Nhưng chính nhờ được đi học như thế mà chị em cô giờ đều có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập để mỗi tháng giúp bố mẹ, còn xây được nhà, cuộc sống khấm khá hơn. Đúng là có học có hơn.

Hiếm hoi các hoạt động văn hóa

Và đến lượt mình, cô Nguyệt cũng rất tạo điều kiện cho con học hành. Mới học lớp 1 nhưng cũng giống như học sinh thành phố, hết giờ học trên lớp cháu cũng được gửi đến nhà bác để học thêm!

Đời sống của những gia đình cán bộ như cô Nguyệt giờ đã khấm khá hơn. Vợ chồng cán bộ, lại ở gần ông bà nội làm nông nghiệp nên mọi đồ ăn thức uống từ gạo, thịt lợn, gà, vịt, trứng, cá... đều tự túc được. Cô còn khoe được ông bà chia cho cả trâu (ở huyện miền núi này con trâu rất có giá trị, có nhà còn nuôi được hàng trăm con trâu).

Cuộc sống thế là tạm ổn. Chỉ còn đời sống văn hóa thì vẫn rất thiếu thốn. Dù ở trung tâm huyện Mường Nhé, các hoạt động văn hóa rất hiếm hoi. Trẻ con có muốn học hát, múa, đàn, mỹ thuật, võ, thể dục...cũng không có nơi nào dạy. Ngay cả sách cũng thiếu. Hiệu sách ở huyện chủ yếu chỉ bán sách giáo khoa, còn sách văn học hầu như không có.

Trong khi học sinh thành phố không đọc sách vì chẳng có thời gian cho đủ trò giải trí, đủ lớp ngoại khóa, đủ thứ học thêm... thì trẻ con ở đây lại thiếu đủ thứ. Chả thế mà năm ngoái, một chương trình từ thiện tổ chức Trung thu cho các cháu đã thành một sự kiện văn hóa đặc biệt. Được nhắc đến mãi đến tận giờ!

Trên đường trở lại Điện Biên, có một đoạn đang sửa đường, xe phải dừng lại đợi. Bụi mù và mùi nhựa đường khét lẹt, vậy mà vẫn có đến hơn chục đứa trẻ ngồi ở ven đường để xem. Có lẽ đây là một sự kiện, một sự giải trí của chúng?!

Khác với bọn trẻ ở một số nơi rất nhút nhát khi gặp người lạ hỏi, bọn trẻ ở A Pa Chải lại rất tự tin. Mấy em bé lần đầu tiên được tiếp xúc với màu, với bút lông vẫn hăng hái xung phong lên vẽ. Nhìn bọn trẻ hồn nhiên bôi màu trên giấy, chúng tôi ai cũng xúc động. Áo ấm thì đoàn nọ đoàn kia đã mang lên cho rồi, chỉ làm sao để các em khỏi thiệt thòi vì thiếu các hoạt động văn hóa.

Được biết hàng năm có rất nhiều đoàn khách du lịch lên A Pa Chải, bởi muốn được đặt chân đến một trong bốn điểm cực của đất nước mình. Ước gì, mỗi đoàn đến đây, mỗi người đến đây không chỉ để chụp một bức ảnh ở cột mốc số 0, mà sẽ mang tới cho các em sách vở, bút màu, sẽ có nhiều đoàn tình nguyện đến dạy các em múa, hát và vẽ, tổ chức những sự kiện văn hóa lành mạnh, để thắp lên khát khao học tập, vươn tới một cuộc sống đầy đủ về cả vật chất và tinh thần.                                                 

Theo Đời sống
back to top