Đẻ thuận tự nhiên dễ chết cả mẹ lẫn con

(khoahocdoisong.vn) - “Xưa vẫn có câu “gái chửa cửa mả”, việc đẻ thuận tự nhiên ở nhà, không có nhân viên y tế chăm sóc rất nguy hiểm, có thể dẫn tới cái chết của cả mẹ lẫn con", PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Quay lại hàng trăm năm về trước

Phương pháp sinh con "thuận tự nhiên" đã gây tranh cãi trong thời gian qua. Hiện tại, vẫn được một số hội nhóm chia sẻ bí mật . Là một bác sĩ sản phụ khoa lâu năm, đồng thời là lãnh đạo một  bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa, ý kiến của ông như thế nào?

Rất nguy hiểm, có thể dẫn tới cái chết của cả mẹ và con. Xưa nay vẫn có câu “gái chửa, cửa mả”, việc đẻ ở nhà, không có nhân viên y tế chăm sóc giống như thời kỳ hàng trăm năm về trước, khi chưa có bệnh viện và các cơ sở y tế vậy.

Ngay cả đối với các bệnh viện lớn như chúng tôi đây, chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh tốt như thế, hoặc ngay cả những trung tâm y tế uy tín ở các nước tiên tiến mà vẫn có tỷ lệ tử vong nhất định xảy ra chết cả mẹ lẫn con, nữa là đẻ ở nhà, không có nhân viên y tế.

Những nguy hiểm khi sinh con tại nhà, không có nhân viên y tế là như thế nào, thưa bác sĩ?

PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh Trần Hải.

PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh Trần Hải.

Đẻ ở nhà sẽ có nhiều  nguy cơ, tôi lấy ví dụ thế này: Đối với con: khi đẻ ở cơ sở y tế nếu con ra ngạt, không khóc thì có hỗ trợ thở oxy, được hút nhớt, ủ ấm, được nhân viên y tế chăm sóc. Vậy ở nhà có thể đẻ rơi, trẻ không được chăm sóc dễ bị ngạt.

Nếu chuyển dạ kéo dài, sản phụ kiệt sức, đôi khi đẻ con ra con đã chết rồi. Khi đứa trẻ bị ngạt sau này dễ viêm phổi, kém phát triển trí tuệ. Ngày xưa cắt rốn bằng liềm, dao, các dụng cụ không  được tiệt khuẩn còn có khả năng nhiễm khuẩn uốn ván, viêm gan...

Đối với mẹ:  Tầng sinh môn không được chủ động cắt, nới rộng, không khâu sẽ là vị trí chảy máu, mất máu, nhiễm trùng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự hồi phục của sản phụ. Ngoài ra, tầng sinh môn rách sâu, rách phức tạp có thể gây các biến chứng đứt cơ thắt hậu môn, rò âm đạo trực tràng và ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Khi tử cung không co (đờ tử cung) hoặc sót nhau, nhiễm khuẩn, sốt, mà không được điều trị kịp thời và đầy đủ sẽ dẫn tới nhiễm trùng máu thậm chí dẫn tới tử vong.

Hoặc những bà mẹ có bệnh tật sẵn  đặc biệt là những cấp cứu, tai biến sản khoa như tiền sản giật, thuyên tắc ối... thì ở viện nguy cơ tử vong cũng cao chứ chưa nói ở nhà.

Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh mà không cần có sự hỗ trợ của nhân viên y tế cũng như tới bệnh viện?

Một số vùng nông thôn, miền núi vẫn còn lạc hậu, khi sinh vào rừng đẻ… tỉ lệ tử vong rất nhiều. Trong khi những nơi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn ví dụ như HN, TPHCM thì mỗi ngày hàng nghìn trẻ ra đời hầu như không còn tai biến.

Còn việc “vẫn có những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh bằng việc đẻ tự nhiên”, điều đó là có. Nhưng cái câu “gái chửa cửa mả”, về bản chất đã cho thấy sự rủi ro và tiềm ẩn nguy cơ của phương pháp này.

Quan niệm không tiêm văcxin, không tiêm phòng, không dùng thuốc, dùng sữa mẹ chữa bách bệnh cũng hoàn toàn sai lầm.

Nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền để mua văcxin về cho chương trình tiêm chủng mở rộng, ví dụ sau đẻ tiêm viêm gan B, lao... mục tiêu để cho các cháu khỏe mạnh.

Hoặc như mẹ đi khám thai tiêm phòng uốn ván khi đẻ ra tỷ lệ uốn ván không còn, nếu mẹ đang bị sốt nhiễm trùng thì không gây nhiễm trùng hậu sản. Hoặc có nhiều cháu viêm phổi viêm ruột từ trong tử cung, nếu ra không kháng sinh chắc chắn đứa trẻ bội nhiễm tăng lên tử vong.

Y tế hiện đại góp phần giảm tử vong cho cả bà mẹ và trẻ em cho nên tôi khuyến cáo các bà mẹ không nên nghe những tuyên truyền không khoa học và nên đến các trung tâm y tế có sự  trợ giúp của đội ngũ y tế.

Chúng tôi vẫn tôn trọng tự nhiên đấy chứ!

Phương pháp sinh nở “thuận tự nhiên” với tiêu chí không cắt dây rốn của bé sau sinh mà để rụng tự nhiên. Với nhau thai cũng vậy, thậm chí là ăn nhau thai. Lợi ích được đưa ra là giúp chống lại nguy cơ nhiễm trùng, bệnh vàng da hay các bệnh về đường hô hấp, miễn dịch ở em bé do được gắn liền với nhau thai (có chứa máu của người mẹ), tăng cường sức khỏe người mẹ. Điều này có cơ sở khoa học không, thưa ông?

Với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta, đồ tươi sống ta mua về không để tủ lạnh dễ bị ôi thiu, thối hỏng, huống hồ là bánh nhau chứa nhiều máu và các tế bào thì rất dễ bị hoại tử, gây nhiễm khuẩn cho trẻ.

Ngày xưa đói kém, không có thịt thì ăn nhau thai, chứ còn bây giờ thì không ai ăn. Còn giữ lại dây rốn không cắt, thì chỉ cung cấp thêm cho trẻ vài mililit máu, thêm lượng hồng cầu chứ không có tế bào gốc hay chất gì cả. Trong khi lại rất nguy hiểm vì dễ nhiễm trùng.

Như vậy cái gọi là “thuận tự nhiên” ở đây sẽ gắn với sự thiếu an toàn, thưa bác sĩ?

Thực ra, nếu nói về “thuận tự nhiên” thì các y bác sĩ chúng tôi vẫn tôn trọng tự nhiên đấy chứ! Chúng tôi tôn trọng sinh lý chuyển dạ, “hoa đến giờ mới nở” và tôn trọng mẹ đẻ thường.

Chúng tôi không có kích sinh, kích đẻ hay các ca chọn giờ. Áp dụng phương pháp cho da kề da, bú sữa mẹ, cắt rốn chậm… đó chính là tôn trọng tự nhiên.

Vậy cần phải hiểu “thuận tự nhiên” ở đây như thế nào cho đúng, thưa bác sỹ?

Là vẫn cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế, đảm bảo các điều kiện an toàn cho cuộc đẻ. Khi cần vẫn phải có sự can thiệp. Ví dụ như những bà mẹ thai ngôi đầu, khung chậu hẹp, cạn ối; hoặc mẹ có bệnh lý... thì phải sinh mổ để giảm thiểu tai biến.

Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng hết sức nguy kịch, chẩn đoán bị vỡ tử cung trong khi sinh. Bác sĩ khẩn trương hội chẩn, hồi sức tích cực, truyền máu và tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho sản phụ.

Kíp mổ đã hút trong ổ bụng sản phụ gần 2 lít máu máu loãng và máu cục. Bác sĩ cũng cắt tử cung của sản phụ để cầm máu. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, sản phụ đã qua giai đoạn nguy hiểm, bé sơ sinh an toàn đang được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa Sơ sinh.

Theo thông tin, sản phụ chưa kịp đến bệnh viện để sinh con thì xảy ra tai biến. Sự việc cho thấy sinh con nếu không có sự hỗ trợ của các y bác sỹ sản phụ có thể gặp nhiều những tình huống nguy hiểm, rủi ro.

Phải đẻ ở cơ sở y tế

Giả sử ở nhà, nếu đảm bảo các điều kiện như bác sỹ nói thì có thể sinh tại nhà không?

Phong trào sinh “thuận tự nhiên” này xuất phát từ thập kỷ 70 ở Úc, Anh, nhưng giới y học phản đối. Tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo là phải đẻ ở cơ sở y tế không nên đẻ ở nhà. Bộ Y tế cũng có khuyến cáo này. Đối với vùng sâu, vùng xa có sáng kiến  “Cô đỡ thôn bản” được đánh giá cao.

Theo ông vì sao nhiều bà mẹ có “hiểu biết” cũng ủng hộ, theo trào lưu này?

Theo tôi là do không biết gạn lọc thông tin, tâm lỳ tò mò, đám đông...

Để đảm bảo cho một cuộc đẻ “mẹ tròn, con vuông”, ông có lời khuyên gì với các bà mẹ?

Cần có tư vấn tiền hôn nhân, khi có thai thì khám thai định kỳ và sàng lọc trước sinh, tiêm phòng đầy đủ. Tháng cuối cần có tư vấn xem đẻ thường được không hay cần có can thiệp. Không nên nghe, chạy theo những tuyên truyền không có cơ sở khoa học mà phải nghe những tuyên truyền, hướng dẫn của cơ sở y tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Liên sinh (Lotus birth) là phương pháp sinh nở “thuận tự nhiên” với tiêu chí không cắt dây rốn của bé sau sinh mà để rụng tự nhiên. Theo đó, sau khi sinh tự nhiên, dây rốn gắn liền rốn và nhau thai của bé không bị kẹp hoặc cắt đi, em bé ngay lập tức được đặt lên ngực/bụng của người mẹ.

Nhau thai được để trong bát hoặc bọc bằng khăn ướt, đặt gần mẹ và trẻ để tránh sự liên kết giữa mẹ và con xảy ra bất trắc trong khoảng hơn một giờ đồng hồ. Sau đó, nhau thai được bảo quản bằng cách rửa, sấy khô, sử dụng chất bảo quản và đặt gần em bé. Sau vài ngày (thường 3-10 ngày), dây rốn sẽ rụng khỏi bụng em bé, phụ thuộc vào độ ẩm trong không khí.

Trào lưu liên sinh bắt đầu xuất hiện vào năm 1974 tại Mỹ và Australia, theo một trích đoạn từ cuốn sách "Sinh con đơn giản, làm mẹ đơn giản: Những lựa chọn khoa học trong khi mang thai, sinh nở và làm cha mẹ" của bác sĩ Sarah Buckley.

Trong cuốn sách, Buckley đã viết: "Sự ra đời của liên sinh là điều hợp lý cho việc sinh con tự nhiên, chúng tôi tôn vinh nhau thai, nguồn cung cấp dưỡng chất đầu tiên của đứa trẻ".

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top