Đề Thám dã sử-Kỳ 2: “Hùm thiêng” tìm ngọc rết

Thám trở thành “Hùm thiêng Yên Thế” là nỗi sợ hãi và sự đe doạ cản trở quá trình áp bức bóc lột của thực dân Pháp.

Tượng thờ cụ Đề Thám tại Bắc Giang.

Theo lời truyền tụng của dân gian, Đề Thám có thể đi mây về gió, vượt qua tất cả các cuộc chiến hiểm nguy và trở thành bất tử bởi ông được trời ban ngọc rết.

Trời ban “ngọc rết”

Câu chuyện trời ban ngọc rết cho Đề Thám hoàn toàn không có trong chính sử, cũng không xuất hiện ở bất kỳ một câu chuyện mang tính thần thoại nào.

Sở dĩ, chuyện trời ban ngọc rết cho Đề Thám còn lưu truyền được cho đến ngày nay là bởi truyền miệng từ các hạ cấp của ông.

Người am hiểu những câu chuyện dân gian truyền tụng về Đề Thám là ông Hoàng Minh Hồng, người gốc huyện Tân Yên (Bắc Giang).

Ông Hồng cũng là người chuyên đi sưu tập những câu chuyện xưa cũ và cả những vật cổ mà nghĩa quân Đề Thám đã sử dụng vào khu trưng bày khởi nghĩa Yên Thế.

Ông Hoàng Minh Hồng cũng là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Hoàng Điển Ân – một quân sư danh tiếng của Đề Thám. Suốt mấy chục năm qua, ông Hồng đã góp sức rất tích cực cho khu di tích khởi nghĩa Yên Thế và giúp các nhà sử học hoàn thành những nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám.

Theo ông Hồng, sở dĩ Đề Thám trở thành một thủ lĩnh tài ba đầy bản lĩnh, có thể vượt qua mưa bom bão đạn như đi trong chốn không người là vì Đề Thám đã có được ngọc rết do ông trời ban tặng.

“Nhà yêu nước Phan Bội Châu mô tả về Đề Thám: “Khi gặp địch thì xông lên chém được nhiều giặc. Chưa đầy nửa năm đã được thăng lên chức Đầu mục. Một năm sau được thăng lên chức Bang tá, có thể tự chỉ huy một cánh quân; gặp giặc giao chiến một mình có thể đảm đương được một mặt phòng ngự”.

Câu chuyện kể rằng, trong một lần hành quân trong rừng rậm. Hoàng Hoa Thám đã phát hiện một quái vật khổng lồ bò cạnh những gốc cây cổ thụ.

Rượt đuổi theo dấu vết, Đề Thám phát hiện đó không phải là trăn mắc võng mà là một con rết khổng lồ. Biết đây là điềm lành có thể tận dụng nên Đề Thám quyết đuổi theo con quái vật ấy đến tận cuối rừng.

Khi cách con rết chỉ một đoạn ngắn cũng là lúc trời đã tối sầm. Đề Thám rút dao găm bên hông đâm một nhát vào tử huyệt con quái vật.

Con rết khổng lồ sau một hồi giãy giụa mới nhả ra một viên ngọc quý. Viên ngọc nhỏ như viên bi nhưng phát quang sáng loá cả một vùng trời.

Đề Thám biết đây là bảo vật trời cho mới dùng dao rạch đùi và nhét viên ngọc rết ấy vào. Từ đó, sức mạnh trong người ông tăng lên gấp trăm vạn lần, có thể đi mây về gió, vượt qua biển người hiểm nguy như chốn không người.

Minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh ấy là cho dù quân Pháp có cả trăm nghìn lính trang bị hiện đại cũng không bắt được Đề Thám.

Thủ lĩnh Đề Thám.

Bí ẩn cái chết của Đề Thám

Tài năng tác chiến của Đề Thám đã năm lần bảy lượt khiến quân Pháp khiếp đảm. Toàn quyền Pháp De Lanessan năm 1891 đã viết trong thư gửi về nước mẹ Đại Pháp rằng: “Trước mặt quân đội Pháp không phải là một đám thảo khấu tầm thường mà là một lực lượng nổi dậy, có vũ trang, vì một mục tiêu dân tộc…”.

Nguyên soái Pháp là Hubert Lyautey viết năm 1895: “Từ mười năm nay, không biết bao nhiêu tướng lĩnh và đoàn quân chinh phạt bị hao mòn trên đất Yên Thế…”

Trong bối cảnh bất lợi, nghĩa quân Yên Thế bị lâm vào thế kẹt. Không chỉ một lần Đề Thám chuẩn bị sa chân vào những cái bẫy đã giăng kín nhưng tài năng và bản lĩnh đã giúp ông thoát nạn, ngay cả khi những người tâm phúc nhất của Đề Thám phản bội.

Chỉ tới thập niên đầu của thế kỷ XX, nghĩa quân của Đề Thám mới trở nên suy yếu. Đầu 1909, đúng vào ngày mùng 8 Tết Kỷ Dậu, viên thống sứ Bắc Kỳ đã huy động trên 15.000 quân chính quy và lính khố xanh dg Đại tá Bataille và viên đại thần khét tiếng Lê Hoan chỉ huy tổng tấn công truy quét nghĩa quân.

Tới cuối năm 1909, sau khi nghĩa quân Yên Thế gần như bị tan rã hoàn toàn thì Đề Thám mới phải ẩn náu trong những cánh rừng hiểm trở cùng hai thủ hạ tâm phúc.

Tuy nhiên, vòng vây của Pháp ngày một thít chặt nhưng cái chết của Đề Thám lại trở thành một trong những sự kiện bí ẩn nhất trong lịch sử chống Pháp.

Đèn đất mà cụ Đề Thám sử dụng.

Trời biết, đất biết, Thám biết, quạ biết

Theo tư liệu mà ông Hoàng Minh Hồng cung cấp cho chúng tôi, vào đầu năm 1913 khi Đề Thám di chuyển đến vùng Hồ Lẩy trong khu rừng Tổ Cú, quân Pháp đã sắp đặt cho 3 kẻ trá hàng đến tiếp cận rồi bất ngờ hạ sát ông cùng hai thủ hạ tâm phúc vào sáng mùng 5 Tết Quý Sửu.

Sau đó, chúng cắt thủ cấp của ông rồi đem bêu ở chợ Nhã Nam.

Tuy nhiên, người dân Yên Thế không tin rằng “Hùm thiêng Yên Thế” lại dễ dàng bị hạ sát như vậy.

Ông Hoàng Minh Hồng cho hay: “Lý Đào, một cận vệ và là bạn của ông Tổ chúng tôi (quân sư Hoàng Điển Ân – PV) cắt tóc cho Đề Thám biết rõ trên đầu của thủ lĩnh Đề Thám có một đường gồ chạy dài từ trán tới đỉnh, và trên mặt có bộ râu ba chòm”.

Nghĩa quân Yên Thế.

Thế nhưng thực tế cho thấy thủ cấp ở chợ Nhã Nam không có đường gồ và mặt cũng không có râu. Những cận vệ của Đề Thám sau đó có về làng Lèo và phát hiện sư thầy chùa Lèo mất tích, họ cho rằng vì diện mạo sư thầy rất giống Đề Thám nên quân Pháp đã cắt thủ cấp của ông và nguỵ biện là của Đề Thám.

Ông Hồng cũng cho hay: “Mới đây nhất, chúng tôi nhận được tin giới nghiên cứu tìm thấy bằng chứng Hoàng Hoa Thám thoát khỏi âm mưu sát hại cuối tháng 2/1913 và sống mai danh ẩn tích trong dân gian”.

Sinh thời, Đề Thám đã từng tuyên bố về cái chết của mình là một bí mật, ông nói với thuộc hạ và cả với quân Pháp: Cái chết của ta chỉ có trời biết, đất biết, Thám biết và quạ biết.

Và câu nói: “Đề Thám không bại trận trên chiến trường. Cái chết của ông ta năm 1913 là hệ quả một âm mưu trá hàng và phản bội” của Nguyên soái Pháp Hubert Lyautey viết năm 1895 chỉ là nguỵ biện.

“Việc tìm kiếm mộ của Hoàng Hoa Thám là vấn đề lớn. Bà Hoàng Thị Hải (con gái cả của ông Hoàng Hoa Phồn – con trai út của cụ Đề Thám) đã đi khắp nơi tìm kiếm nhưng chưa có kết quả”, ông Hoàng Minh Hồng – Ban quản lý khu di tích Hoàng Hoa Thám.

Trần Hoà

Theo Đời sống
back to top