Đề phòng các đợt mưa lớn vào tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12

Ngày 19/8, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 7-9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Chú thích ảnh
Các tỉnh, thành phố ở Trung và Nam Trung Bộ cần đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12/2021. Ảnh minh họa: Lê Phú/Báo Tin tức

Các tỉnh, thành phố ở Trung và Nam Trung Bộ cần đề phòng các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12/2021, tuy nhiên ít có khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn và dồn dập như năm 2020.

Đề cập thời tiết mùa Đông năm 2021, ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021, các đợt rét đậm, rét hại trong mùa Đông năm 2021-2022 có thể xảy ra vào khoảng giữa tháng 12/2021 trong khi các đợt rét đậm, rét hại hằng năm thường xuất hiện những ngày cuối tháng 12. Như vậy, năm nay rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra sớm hơn và ở mức độ nặng hơn, tập trung từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 2/2022.

Mùa Đông năm nay đến sớm là do nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh cho tới những tháng đầu năm 2022.

Tại Bắc Bộ, đỉnh lũ từ tháng 9/2021 trên các sông phổ biến ở mức báo động 1, riêng đỉnh lũ trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ ở mức báo động 1 và báo động 2. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới báo động 1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.

Từ tháng 9 /2021, trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2. Các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Trưởng phòng Dự báo khí hậu Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những phương án để phòng tránh, cụ thể là xây bản đồ nguy cơ ngập lụt khu chịu lũ, các phương án sơ tán, các tuyến đường sơ tán và vị trí tập kết; chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất; xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét, sạt lở đất; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em.

Cùng với đó, mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh. Các địa phương cần thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian có lũ quét, sạt lở đất.

Theo baotintuc.vn
Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Ngày 21/03, Chỉ huy Đội CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết đang xác minh, xử lý các phương tiện vi phạm sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí. Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kiểm tra, xử lý.
"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, tàu hết đăng kiểm vẫn hoạt động, xe chở cát có dấu hiệu "né" qua trạm cân,… là những nguyên nhân gây ra tình trạng "bát nháo" trong khai thác khoáng sản trên sông Krông Ana, Đắk Lắk.
back to top