“Đệ nhất” làng… thuốc

Ngôi làng nhỏ Nghĩa Trai thuộc xã Tân Quang (Văn Lâm – Hưng Yên) đã nổi tiếng gần xa không chỉ bởi có những danh y nức tiếng trị bệnh cứu người mà còn là làng chế biến dược liệu lớn nhất nhì miền Bắc. Mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng ngàn tấn thuốc các loại.

Làng “nước hoa”

Cách thị trấn Như Quỳnh không xa, làng Nghĩa Trai lọt thỏm giữa bốn bề là công nghiệp hóa với những nhà máy to nhỏ đủ loại. Ngay từ đầu làng, khách qua đường đã có thể nhận được “món quà” từ mùi thơm dược liệu. Qua mỗi đoạn đường, lại có một mùi thơm kỳ lạ khác nhau.

Trồng và chăm sóc cây thuốc

Chủ tịch UBND xã Tân Quang, ông Nguyễn Huy Lập tự hào bảo: “Nhiều người gọi Nghĩa Trai là làng “nước hoa”. Nói không ngoa chứ ở làng này cả ngày lẫn đêm đều có mùi thơm, nhưng chỉ người lạ mới ngửi được chứ chúng tôi “điếc” hết mũi rồi”.

Vựa dược liệu Nghĩa Trai là làng nghề trồng và chế biến thuốc có từ rất lâu đời. Người dân nơi đây trồng thuốc như nông dân các vùng khác trồng lúa, trồng ngô. Họ trồng từ những loại bình dân như: Tía tô, kinh giới, mã đề, rau má, ngải cứu… đến những loại thuốc quý như: Hoắc hương, cúc hoa, kim tiền thảo… Họ tận dụng từ những thửa ruộng lớn, mảnh vườn nhỏ đến phần đất trống ven đường để trồng dược liệu.

Trưởng thôn Nghĩa Trai, ông Trần Thi cho hay: “Hầu hết bà con trong thôn đều trồng và chế biến thuốc. Làng Nghĩa Trai từ già đến trẻ nhắm mắt cũng “ngửi” được các vị thuốc, họ giỏi như các lang y vậy”.

Cũng chính vì thế mà theo tiết lộ của ông Thi, dân làng Nghĩa Trai rất ít khi ốm đau, mà có ốm có đau cũng rất ít khi phải dùng đến thuốc Tây. Nhức đầu, mỏi mắt thì đã có cúc hoa trong vườn. Đau nhức xương khớp đã có địa liền, ai bị trúng độc, viêm loét đã có tía tô, kinh giới…

Ngoài mùi “nước hoa” mà dược liệu đem lại, khách lạ luôn phải giật mình với những âm thanh chát chát bụp bụp từ chính làng Nghĩa Trai phát ra, đó chính là âm thanh của việc bào chế, băm nhuyễn thuốc. Cứ đến giờ, là nhà nào nhà nấy từ già trẻ – trai gái tự động mỗi người một việc, người thái, người băm, người giã – người nhào thuốc rất nhộn nhịp. Nghĩa Trai như một công trường khổng lồ về thuốc.

Thành tỷ phú nhờ… thuốc

Cũng từ thuốc và nhờ thuốc mà Nghĩa Trai nổi lên với những tỷ phú giàu có nhất nhì xã. Đơn cử như gia đình nhà Quý – Hoa ở giữa làng, vừa trồng thuốc, vừa thu mua dược liệu từ khắp nơi về để chế biến.

Đệ nhất làng thuốc

Bào chế dược liệu

Hôm chúng tôi có mặt ở Nghĩa Trai, anh Quý bảo: “Để mà làm giàu từ thuốc thì cực đơn giản, vấn đề là phải có mối, lấy hàng vào rồi lại phải xuất hàng ra. Hơn nữa, người buôn bán thuốc như mình thì phải hiểu biết sâu sắc về tất cả các vị thuốc. Nếu không hiểu, không biết thì chỉ có… vỡ nợ”.

Quả thật, theo tiết lộ của anh Quý, mỗi năm anh xuất ra thị trường hàng trăm tấn thuốc với đủ vị. Làng Nghĩa Trai có hàng chục đầu mối thu mua nên không thể cung ứng đủ và Quý phải lặn lội khắp các vùng Đông Bắc, Tây Bắc rồi sang cả nước ngoài tìm hiểu thị trường, nhập thuốc về chế biến.

Những ngày bình thường, anh Quý chỉ thuê vài ba nhân công bào chế dược liệu, nhưng mỗi khi hàng về, anh phải thuê vài chục người hiểu biết về thuốc để phân công nhiệm vụ thái thuốc, phơi sấy, gói hàng đến vận chuyển.

Ngoài nhà anh Quý, Nghĩa Trai còn có vợ chồng tỷ phú trẻ Thúy – Viễn. Gia đình chị Thúy chỉ chuyên chế biến thuốc Nam nên hàng nhập về có vẻ hiếm hơn những hộ gia đình khác. Tuy nhiên, theo chị Thúy, thuốc Nam cũng có giá và dễ bán hơn thuốc Bắc nên kiếm tiền cũng dễ dàng hơn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Tân Quang, hiện ở Nghĩa Trai có hàng chục tỷ phú giàu lên nhờ thuốc. Cũng ở Nghĩa Trai này, mỗi năm có từ 5000 – 5.500 tấn thuốc Nam, 2000 – 3000 tấn thuốc Bắc với hàng trăm vị thuốc được trồng và chế biến ngay tại địa phương.

Chữ “nghĩa” của làng

Trưởng thôn Nghĩa Trai, ông Trần Thi bảo: “Không phải cứ vì tiền mà người dân trồng thuốc để bán đâu. Chúng tôi làm thuốc bằng chữ “nghĩa” cái tâm chứ không phải cứ thích là theo nhau làm”.

Dược liệu phải được phơi khô, không dùng diêm sinh

Ông Thi cho hay, theo thần tích của làng ghi lại: Có 3 vị tướng đời vua Lý Thánh Tông, sau khi phò vua đánh thắng giặc Chiêm đã về Nghĩa Trai giúp dân khai khẩn trồng cây thuốc và hành nghề y. Do đó, vua đã ban tước phong thần cho 3 vị tướng và chỉ dụ cho dân làng lập miếu thờ cho đến ngày nay.

Với truyền thống ấy, Nghĩa Trai gần như 100% các hộ tham gia trồng và chế biến dược liệu, qua các thế hệ đã có 137 người làm nghề thuốc, có những gia đình với 5 thế hệ đều làm lương y.

Nghĩa Trai cũng là một trong những làng trường thọ, với dân số trên 1.500 dân thì có tới gần 200 cao niên tuổi từ 70 trở lên, trong đó có 112 cụ trên 80. Cả làng không ai mắc bệnh hô hấp, nhờ biết cách tăng cường sức khỏe từ nguồn dược liệu có sẵn nên ở làng Nghĩa Trai, từ già tới trẻ trông ai cũng hồng hào, khỏe mạnh.

Ông Trần Thi – Trưởng thôn Nghĩa Trai bảo: “Có đận, dư luận ồn ào về việc làng Nghĩa Trai sử dụng diêm sinh trong khâu chế biến thuốc là không đúng, bởi thực tế từ nơi chế biến thuốc này, nếu cần dùng đến xông sinh thì cũng phải đúng quy cách, quy chuẩn. Còn nếu có hiện tượng đó thật, thì đó chỉ là số ít kiểu con sâu làm rầu nồi canh mà thôi”.

“Tổng diện tích trồng thuốc của riêng làng Nghĩa Trai hiện tại là 20 hecta. Vì đây là làng trồng và chế biến dược liệu truyền thống nên gần như không còn diện tích để trồng hoa màu. Nhờ thuốc, mà nhiều gia đình trở thành tỷ phú, có điều kiện nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, hiện nay với cơ chế thị trường nên cũng nảy sinh nhiều bất cập. Chúng tôi cũng phải thường xuyên nhắc nhở và tuyên truyền đến bà con để làm sao làng thuốc mãi giữ được chữ “tâm” chữ “nghĩa” với nghề, với nhân dân”.

Ông Nguyễn Huy Lập – Chủ tịch UBND xã Tân Quang

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top