Đề nghị không có trong quy định: Lấy đất lâm viên giải cứu 4 dự án của Thép Hòa Phát

(khoahocdoisong.vn) - Một số dự án của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đang bị vướng mắc trong quá trình GPMB, do “đói” quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân trong vùng dự án. BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi mới đây đã kiến nghị tới UBND tỉnh điều chỉnh cục bộ 48ha đất lâm viên sang đất ở phục vụ tái định cư.

Bốn dự án “nghẽn” vì thiếu đất tái định cư

Cuối tháng 8.2019, Thép Hòa Phát Dung Quất có báo cáo về hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn KKT Dung Quất. Cụ thể, nhu cầu về tái định cư các dự án của Hòa Phát chủ yếu nằm ở 2 xã Bình Đông và Bình Thuận với tổng cộng 1.509 lô tái định cư (TĐC).

Tại xã Bình Đông, doanh nghiệp này có 4 dự án. Trong số này, 3 dự án (Khu hành chính 1,2 thuộc khu liên hợp; Cấp nước thô; Hợp kim sắt) dự kiến cần 76 lô TĐC. Công ty đã có văn bản mượn bổ sung 12 lô và đang chờ BQL giải quyết. Còn lại dự án khu 51ha mở rộng Khu liên hợp đòi hỏi 370 lô TĐC, nhưng hiện chưa có.

Tại xã Bình Thuận, cả 3 dự án của Thép Hòa Phát Dung Quất (Khu 115 ha mở rộng khu liên hợp; Bến cảng tổng hợp container; Khu dịch vụ hậu cần cảng) cũng đòi hỏi khoảng 1.000 lô TĐC và hiện đều chưa có.

Được biết, các dự án của Hòa Phát trong KKT Dung Quất được thực hiện theo chủ trương nhà nước tạo quỹ đất sạch giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. “Thực trạng các dự án đều bị vướng mắc trong quá trình GPMB do không có tái định cư, người dân không nhận tiền, chính quyền không phê duyệt phương án đền bù” – Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất thông tin.

Cũng theo doanh nghiệp này, thực tế hiện nay đang có một số khu TĐC nhà nước đã triển khai đầu tư, nhưng để trống hoặc còn lô trống như: Khu TĐC Cà Ninh, khu TĐC Tây Bắc Vạn Tường... Trong khi đó, các dự án của Hòa Phát đang rất cần gấp TĐC để bố trí cho các hộ dân trong vùng dự án, đặc biệt các hộ dân thuộc Khu liên hợp mở rộng 115ha, khu hành chính mở rộng, dự án hợp kim sắt...

Từ đây, Thép Hòa Phát Dung Quất đề xuất BQLKKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tiếp tục cho mượn các lô TĐC còn trống thuộc khu dân cư Tây Bắc Vạn Tường để bố trí ngay cho các hộ dân thuộc Khu liên hợp mở rộng (nằm giáp ranh Khu liên hợp). Đồng thời giới thiệu địa điểm khu đất phù hợp quy hoạch và nhu cầu của người dân trong khu Tây Bắc Vạn Tường để Công ty tự làm TĐC bố trí cho người dân.

Thực tế, ngày 23.8.2019, Công ty đã có văn bản đề xuất sử dụng khu đất 35ha giáp khu Tây Bắc Vạn Tường 3 để tự làm TĐC.

Thép Hòa Phát Dung Quất cũng đề xuất giao Công ty tiếp quản mặt bằng khu đất TĐC Cà Ninh giai đoạn 1 để đầu tư hoàn chỉnh bố trí TĐC các dự án của Hòa Phát. Đề nghị BQL và chính quyền địa phương vận động người dân thuộc các dự án của Hòa Phát vào các khu TĐC Cà Ninh...

Bốn dự án của Thép Hòa Phát tại KKT Dung Quất bị "nghẽn" do thiếu đất tái định cư

Bốn dự án của Thép Hòa Phát tại KKT Dung Quất bị "nghẽn" do thiếu đất tái định cư

“Bí” đất tái định cư – xin chuyển đất lâm viên

Tới giữa tháng 9/2019, BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi báo cáo UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng Khu TĐC phục vụ GPMB cho các dự án của Hòa Phát tại KKT Dung Quất. Trong đó, xuất hiện đề nghị xin chuyển đổi công năng hàng chục hecta đất lâm viên để phục vụ xây dựng TĐC phục vụ GPMB của doanh nghiệp.

BQL xác định, vị trí đất do Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đề xuất chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng khu TĐC (phục vụ GPMB cho các dự án của Hòa Phát) thuộc ranh giới đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng điều chỉnh và thiết kế đô thị KĐT mới Vạn Tường (đã được tỉnh duyệt tại Quyết định 259/QĐ-UBND ngày 13.2.2009).

Trong đó, chỉ có khoảng 3,6 ha là phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt (đất tái định cư). Còn lại, khoảng 48ha chưa phù hợp với quy hoạch (là đất lâm viên).

BQL nêu rõ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi tại Công văn 3011/UBND-CNXD ngày 29.5.2018 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh có nêu: “không xem xét các đề xuất điều chỉnh giảm (hoặc bỏ) các khu vực quy hoạch công viên cây xanh và công trình công cộng thiết yếu”. Vị trí khu đất 48ha do Công ty Hòa Phát đề xuất có chức năng sử dụng đất theo quy hoạch là đất lâm viên, và hiện trạng sử dụng đất chủ yếu là đất trồng cây hàng năm và lâu năm.

“Tuy nhiên, nhu cầu cấp bách cần phải có các khu TĐC phục vụ GPMB cho các dự án của Hòa Phát, BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cho ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất đối với phần diện tích khoảng 48ha (theo đề xuất của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất) từ đất lâm viên sang đất ở phục vụ TĐC.” – BQL nêu trong văn bản gửi UBND tỉnh.

Thậm chí, BQL cũng “gật đầu” với đề nghị của Hòa Phát về việc doanh nghiệp tự làm Dự án các khu TĐC phục vụ GPMB cho các dự án của Thép Hòa Phát Dung Quất tại KKT Dung Quất. Dù rằng, đề nghị này chưa có trong quy định – theo chính BQL xác định.

Cụ thể, dẫn chiếu quy định tại Điều 85 Luật Đất đai 2013, trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án TĐC do UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện. Đồng thời, căn cứ khoản 3,4 Điều 35 Luật Nhà ở và Khoản 3 Điều 26 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Nhà ở thì việc thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ TĐC do Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại hoặc dự án đầu tư hạ tầng KCN thực hiện. Từ đây, BQL xác định, việc Hòa Phát Dung Quất đề nghị tự làm dự án TĐC (hoặc nhà ở phục vụ TĐC) là chưa có trong quy định...

Cuối cùng, ngày 30.8.2019, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp và chỉ đạo Hòa Phát cùng BQL rà soát, xác định vị trí để giao Công ty này tự làm TĐC. Ngay sau đó, ngày 5.9, Công ty và BQL đã họp bàn và thống nhất vị trí đất giao Hòa Phát tự làm TĐC – trong số này có: khu 1 (khoảng 3,6ha) thuộc Khu dân cư Tây Bắc Vạn Tường 3 chưa triển khai; Khu 2 (khoảng 48 ha) nằm song song khu TĐC Tây Bắc Vạn Tường 1,2,3.

Đáng lưu ý, văn bản đề xuất của thép Hòa Phát sử dụng danh từ "lâm viên" để chỉ một số diện tích mà doanh nghiệp này đề xuất làm khu tái định cư. Tuy nhiên, khái niệm lâm viên không là từ được sử dụng trong các quy định hiện hành. Văn bản của BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho thấy, các diện tích "lâm viên" như Hòa Phát đề xuất đều là đất quy hoạch dùng để xây công viên, cây xanh.

Theo Khoa học & Đời sống
Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Linh đã ký văn bản cấm Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Đại Cát (Công ty Đại Cát) bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu 4 năm vì cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không trung thực.
back to top