Để lái xe sử dụng ma túy là lỗi của ngành giao thông

(khoahocdoisong.vn) - Việc để xảy ra các tai nạn giao thông liên tiếp liên quan tới lái xe sử dụng ma túy gần đây, theo ông Chung Á, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành giao thông và công an. Do nhận thức của lãnh đạo các ngành này vấn đề trên chưa đầy đủ.

Việc để xảy ra các tai nạn giao thông liên tiếp liên quan tới ma túy gần đây, theo PGS.TS Chung Á, Nguyên phó chủ tịch ủy ban quốc gia về phòng chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành giao thông và ngành công an. Do nhận thức của các lãnh đạo ngành giao thông cũng như ngành công an đối với vấn đề này chưa đầy đủ.

“Lẽ ra, ngành giao thông và ngành công an phải coi việc các lái xe tải, lái xe công ten nơ, xe khách, taxi… nghiện ma túy là một vấn đề an ninh, an toàn xã hội cấp bách”, ông Chung Á nói.

Bởi vì, tình trạng lái xe dùng ma túy không phải mới, mà diễn ra rất nhiều năm rồi. Ngành giao thông và ngành công an lẽ ra phải có một chế tài đủ mạnh để khống chế, chấm dứt. Ví dụ, như việc tước bằng lái, thậm chí tịch thu phương tiện ngay khi phát hiện ra lái xe dùng ma túy.

Hiện trường vụ tai nạn lái xe tải tông chết 8 người đi bộ tại Hải Dương. Ảnh: Outofun.

Hiện trường vụ tai nạn lái xe tải tông chết 8 người đi bộ tại Hải Dương. Ảnh: Outofun.

Đằng này, việc chỉ thổi phạt tiền, ví dụ 12 – 15 triệu đồng, số tiền thu được tưởng lớn, nhưng tác hại xã hội lại lớn hơn nhiều.

Chia sẻ về những khó khăn trong công cuộc phòng chống ma túy, khiến tình trạng sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp, PGS.TS Chung Á cho biết, trước đây việc sử dụng và nghiện ma túy được coi là một vấn đề tệ nạn xã hội. Nhưng sự thực đã chứng minh rằng, nghiện ma túy là căn bệnh mạn tính về não. Các bệnh mạn tính thì khó mà điều trị được, con người phải sống chung với nó.

Việc chúng ta đưa người nghiện đi cai nghiện chẳng qua là cắt cơn, giúp họ phục hồi sức khỏe, tạm bỏ ma túy để học tập và lao động .

Gần đây, Chính phủ cũng đã nhận ra, nghiện ma túy là bệnh mạn tính về não, nên đã đổi mới công tác cai nghiện. Trong các biện pháp hỗ trợ và điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện hiện nay trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam đã áp dụng phương pháp uống methadone.   

Việc cho người nghiện ma túy uống methadone giúp cho họ không bị lây nhiễm HIV/AIDS, do không “đói thuốc” nên  họ không phải phạm những tội cướp giật trộm cắp để lấy tiền mua ma túy nên trật tự xã hội được giữ gìn tốt hơn.

Đặc biệt, liều uống methadone mỗi ngày giá thành chỉ khoảng 22 ngàn đồng thay vì trước đây người tiêm chích ma túy có thể phải tiêu tốn đến 400 - 500 ngàn đồng nên có ý nghĩa về kinh tế cho cá nhân người nghiện, cho gia đình họ và cho toàn xã hội… Chương trình methadone của Chính phủ thu được kết quả rất khả quan. Cho đến nay, cả nước đã có trên 70 ngàn người nghiện ma túy dạng thuốc phiện được uống methadone.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, trong đó có các lái xe lại không chỉ nghiện heroin mà nghiện ma túy tổng hợp, bị ngáo đá, thì dùng methadone lại không có tác dụng. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng phác đồ điều trị ma túy đá, và ma túy tổng hợp khác. Hy vọng các phác đồ này sẽ sớm được ban hành

Trong công cuộc phòng chống ma túy, theo PGS.TS Chung Á, sự hỗ trợ tâm lý đối người bệnh rất quan trọng, vì đây là căn bệnh về não.

Khủng hoảng lớn nhất về tâm lý của người nghiện là mất niềm tin vào chính bản thân mình. Việc kỳ thị hay xua đuổi trong gia đình và xã hội càng khiến người nghiện lún sâu hơn vào khủng hoảng. Cho nên, bên cạnh sự hỗ trợ tâm lý của gia đình, người thân, rất cần những nhân viên xã hội am hiểu về ma túy tư vấn, giúp đỡ họ.

Ở Khánh Hòa, đã có những trạm trưởng y tế tạo được niềm tin cho người nghiện. Người nghiện coi họ như người chị, người mẹ vì họ chia sẻ, an ủi người bệnh cách vượt qua những lúc thèm khát ma túy, thậm chí khi họ gặp khó khăn về kinh tế, về những vấn đề trong cuộc sống thường nhật họ cũng đến chia sẻ với các chị như những chỗ dựa về mặt tinh thần quan trọng.

Mai Loan

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top