Để KH&CN là trụ cột phát triển

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 15/5, tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Phát triển Quốc tế (IDIA) tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Khai thác nguồn tài nguyên vô hạn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc đặt câu hỏi. “Trên hành tinh này có thứ tài nguyên nào khi càng khai thác sẽ càng nảy nở? Đó chính là chất xám, là sự sáng tạo. Tôi nhớ một khẩu hiệu của một tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc rằng: “tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn”. Tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu chúng ta vẫn trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng”’.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình. Trong doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất.

Nhưng, năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Theo báo cáo của Viện  kinh tế Việt Nam, đầu tư cho khoa học công nghệ có xu hướng giảm, tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển trên GDP của Việt Nam ở mức rất thấp so với mức trung bình của thế giới; khi quy về một “mặt bằng” so sánh ở hàng rất thấp trong khu vực.

Đổi mới sáng tạo và kinh tế số

Bà Alexis Bonell, Giám đốc Đổi mới sáng tạo của USAID cho biết, khi Việt Nam tiếp tục hành trình 30 năm phát triển vượt bậc để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á, việc phối kết hợp cùng nhau giữa các bên liên quan - bao gồm chính phủ, các chủ thể khu vực tư nhân và các cơ quan phát triển - trở nên vô cùng thiết yếu giúp  tối đa hóa các tác động tích cực của các tiến bộ công nghệ, đồng thời giảm thiểu những tác động bất lợi của chúng. IDIA rất vui mừng được đến Việt Nam trong giai đoạn thú vị này, khi Việt Nam đang chuyển đổi để nắm bắt các công nghệ mới để có thể phát triển hơn nữa.

Báo cáo về Nghiên cứu về Tương lai Kinh tế số Việt Nam được trình bày tại Hội nghị là kết quả của sự hợp tác kéo dài 18 tháng giữa CSIRO/Data61 của Úc và Bộ KH&CN. TS Lucy Cameron, chuyên gia cao cấp CSIRO cho biết, ứng dụng số góp phần giúp GDP Việt Nam tăng trưởng 1,1% cho tới năm 2045. Muốn tránh bẫy thu nhập trung bình, tạo ra thu nhập cao thì các ngành kinh tế phải dựa vào KH&CN. Nền kinh tế số của Việt Nam có 4 kịch bản gồm truyền thống, chuyển đổi số, xuất khẩu số và tiêu dùng số.

TS Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp, CSIRO phát biểu tại Hội nghị về Vai trò của Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đối với tương lai kinh tế số của Việt Nam

TS Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp, CSIRO phát biểu tại Hội nghị về Vai trò của Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đối với tương lai kinh tế số của Việt Nam

Trong đó, kịch bản chuyển đổi số đem lại tăng trưởng cao nhất bằng việc Việt Nam sẽ trở thành nước dẫn đầu về phát triển công nghệ số. Khi đó, hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ phát triển. Đổi mới sáng tạo, dữ liệu mở và các kênh khác góp phần tạo thuận lợi cho tiếp cận thông tin và sáng tạo. Đầu tư nhiều hơn vào các khu công nghệ cao. Đầu tư mạnh mẽ và toàn diện cho nghiên cứu phát triển, đưa Việt Nam thành nước đứng đầu mới nổi cho một số lĩnh vực công nghệ số. Đặc biệt là khi ấy, ngành công nghệ số sẽ bùng nổ với các hợp đồng từ trong và ngoài nước và chuyển đổi các ngành công nghiệp thông qua việc ứng dụng công nghệ số.

Khi đó, phải xây dựng một nền tảng kết nối thống nhất hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp trên khắp đất nước, xác định các ngành công nghiệp chuyên sâu sử dụng công nghệ số vào xây dựng các mô hình kinh doanh mới…

Làm thế nào để KHCN thành trụ cột?

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đặt câu hỏi tại hội nghị: Làm thế nào để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội một cách thực chất và hiệu quả đối với Việt Nam? Làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa và liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm? Nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp?

Theo đánh giá của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 02 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan; cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam;

Cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, tới đây, Bộ KH&CN sẽ nghiêm túc tổng hợp và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các chuyên gia, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một động lực trong tăng trưởng của đất nước trong bối cảnh mới.

Theo Đời sống
back to top