ĐB Quốc hội Hà Ánh Phượng: “Trong trường học còn có nhân viên"

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho biết, điều khiến bà trăn trở, muốn đưa tới nghị trường lần này là chính sách tiền lương, đặc biệt cho đối tượng giáo viên và nhân viên trường học.
DB Quoc hoi Ha Anh Phuong: “Trong truong hoc con co nhan vien
Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng. Ảnh: QH.

Nhân viên trường học 10 năm đi làm, lương chưa đạt 4.5 triệu đồng

Được biết đến là một đại biểu đã có những góp ý rất thẳng thắn về giáo dục, trong kỳ họp vừa qua, đâu là điều bà còn trăn trở, thưa đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng?

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề lương giáo viên thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn mà ít nhắc đến bộ phận thường chiếm tỉ lệ dưới 10% tổng số biên chế của một trường học nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng tới sự vận hành và phát triển của một ngôi trường đó là nhân viên trường học.
Là một đại biểu Quốc hội, tôi đã nhận được rất nhiều kiến nghị, tâm tư từ những nhân viên trường học. Tôi thấy, chính sách liên quan đến họ hiện có nhiều bất cập.
Những bất cập đó cụ thể là gì, thưa bà?
Cùng công tác trong ngành giáo dục tôi nhận thấy, nhân viên trường học là bộ phận nhỏ nhưng lại giữ vai trò hết sức quan trọng. Họ là những người âm thầm giải quyết các công việc của trường học, có khi còn phải kiêm nhiệm rất nhiều việc để giúp cho ngôi trường có thể vận hành và phát triển hơn.
Tuy nhiên, theo cách tính hiện nay, chế độ chính sách, lương, phụ cấp của họ khá thấp so với giáo viên và các vị trí tương tự ở các ngành khác. Đôi lúc, tính chất công việc của họ đang làm có sự kết hợp giữa công việc của một công chức và một viên chức sự nghiệp giáo dục.
Điều đáng nói, họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng không được phụ cấp công vụ như công chức, cùng làm việc trong ngành giáo dục nhưng lại không được phụ cấp thâm niên. Trong đó, mức phụ cấp mà họ nhận được chỉ dao động từ 0,1-0,2 mức lương cơ sở, riêng nhân viên y tế phụ cấp ngành dọc không quá 20%, nhân viên văn thư hầu như không có phụ cấp gì.
Thực tế, có những nhân viên trường học sau 10 năm đi làm với tấm bằng đại học chưa đạt mức lương 4.5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nhiều người đã bỏ nghề, hoặc tâm lý chán nản khi đi làm. Trong khi đó, nếu nhân viên xin nghỉ rất khó tìm người thay thế. Trước những bất cập này, tôi đã gửi câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Bộ trưởng đã trả lời câu hỏi chất vấn này ra sao, thưa bà?
Trong văn bản phúc đáp tới vấn đề tôi chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, do chính sách tiền lương hiện hành đối với khu vực công còn thấp nên đời sống của cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả viên chức ngành giáo dục, trong đó có nhân viên trường học) gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và giá cả, lạm phát tăng ở nhiều nước, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 nên chưa có đủ điều kiện để cải cách tổng thể tiền lương đối với khu vực công.
Bộ Nội vụ cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và trong thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét về chế độ tiền lương đối với viên chức ngành giáo dục cho phù hợp với đặc thù ngành nghề, bảo đảm yêu cầu của Chính phủ về cải cách tiền lương.
Tôi thấy câu trả lời của Bộ trưởng khá thỏa đáng, hy vọng trong thời gian sớm nhất, đời sống của công chức, viên chức sẽ được cải thiện, trong đó có nhân viên trường học.
Cần cấp thiết tăng lương cho giáo viên
Giáo viên thường chỉ tập trung cho chuyên môn, công việc giảng dạy, nhiều giáo viên theo tôi biết rất ngại lên tiếng góp ý, ngại “va chạm”. Trở thành đại biểu Quốc hội với những phản biện, kiến nghị sắc sảo trên nghị trường, cuộc sống của đại biểu - cô giáo Hà Ánh Phượng đã có những thay đổi thế nào?
DB Quoc hoi Ha Anh Phuong: “Trong truong hoc con co nhan vien
Cô giáo Hà Ánh Phượng bên những học trò miền núi thân yêu. Ảnh: NVCC.
Từ khi trở thành đại biểu Quốc hội, tôi đã nhận rất nhiều những tâm sự, sẻ chia của các thầy cô giáo, không phải chỉ riêng tỉnh Phú Thọ mà trên cả nước. Thậm chí, có cô giáo miền núi ở Thanh Hóa đã viết cho tôi lá thư dài tới 5 trang chỉ để kể những khó khăn của mình.
Tôi cảm thấy trách nhiệm trên vai lớn hơn rất nhiều khi mang theo niềm tin của cử tri. Tôi luôn trăn trở làm sao để mang được những ý kiến của cử tri tới được nghị trường Quốc hội.
Những khó khăn được các giáo viên phản ánh, chia sẻ nhiều nhất thường là gì, thưa bà?
Họ chia sẻ nhiều nhóm vấn đề, nhưng trong đó nổi bật nhất là chính sách về lương, chế độ làm việc. Trong đó, có câu chuyện của nhiều cô giáo mầm non hợp đồng (số lượng giáo viên mầm non chưa được vào biên chế còn rất nhiều tại một số địa phương). Họ đi làm và nhận mức lương hợp đồng chỉ đạt 2.500.000VND/ tháng.
Tôi cho rằng, với mức lương như vậy, nếu không thực sự yêu, tâm huyết với nghề, chắc chắn cô giáo đó, cũng như rất nhiều thầy cô giáo khác đã từng tâm sự với tôi không thể tiếp tục được hành trình dạy học của mình. Tôi mong muốn trong thời gian tới, chế độ chính sách tiền lương của các thầy cô ở các cấp học sẽ được quan tâm hơn, biên chế nhà nước cho giáo viên mầm non sẽ tăng cao để giải quyết các vấn đề tồn tại.
Vừa rồi, giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói rằng sẽ xem xét đề xuất với Chính phủ về việc tăng lương cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và THCS để ngăn “làn sóng” giáo viên nghỉ việc. Bà đánh giá thế nào về việc này?
Theo tôi, đây là việc rất quan trọng, cần làm ngay. Việc có một mức lương đủ sống không chỉ để các thầy cô yên tâm công tác, mà nó còn liên quan đến việc tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học. Điều đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong bối cảnh yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay.
Niềm hạnh phúc nhất không nằm ở những giải thưởng
Là một giáo viên đã đạt được rất nhiều thành tích, giải thưởng danh giá. Cho đến thời điểm này, đâu là điều bà cảm thấy hạnh phúc nhất khi gắn bó với nghề giáo?
Mỗi thầy cô giáo đều có những niềm vui, hạnh phúc, sự tự hào riêng trong quá trình dạy học. Đối với tôi, niềm hạnh phúc, tự hào nhất không phải là những giải thưởng trong và ngoài nước mà tôi đã đạt được, mà là khoảnh khắc những cô cậu học trò miền núi của mình có thể đứng lên tự tin giới thiệu về vẻ đẹp của văn hóa quê hương mình với bạn bè thế giới.
Hoặc khoảnh khắc của cô học trò nhỏ được đặt chân đến nước Mỹ xa xôi, nhắn tin về cho cô giáo nói rằng: “Cô ơi, em đã đặt chân tới Mỹ rồi! Em đã vượt qua định kiến và vượt qua những giới hạn của bàn thân, vươn xa những lũy tre và đồi chè quê mình để đặt chân vào thế giới”. Đó cũng chính là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của tôi.
DB Quoc hoi Ha Anh Phuong: “Trong truong hoc con co nhan vien

Cô giáo Hà Ánh Phượng tham dự diễn đàn giải thưởng công chúa Thái Lan bởi những sáng kiến đột phá trong giáo dục. Ảnh: NVCC.

Không ngừng nỗ lực, không ngừng vươn lên, như bà tự nhận, là một cô giáo đã bước ra từ “vườn chuối” vươn ra thế giới, bà quan niệm thế nào về vai trò người thầy trong thời đại ngày nay?
Xã hội đã có nhiều những thay đổi, trong đó có quan niệm về người thầy, mối quan hệ thầy trò. Nhưng với tôi, ở thời đại nào, vai trò của người thầy cũng rất quan trọng.
Và để làm tốt vai trò của mình, người thầy không chỉ là người truyền đạt cho các em kiến thức, mà còn “đóng nhiều vai”, có khi là một người bạn, người anh người chị, như cha mẹ của học sinh... Thầy cô giáo cũng cần không ngừng phát triển chuyên môn để có thể đáp ứng sự thay đổi của thời đại. Vì tôi tin rằng “Người dám dạy phải là người không bao giờ ngừng học”
Là một giáo viên, đồng thời là đại biểu Quốc hội, điều bà mong mỏi nhất hiện nay là gì?
Tôi hy vọng, với việc chuyển tải tiếng nói những đồng nghiệp của mình đến với nghị trường, sẽ góp phần cải thiện được về chính sách để các thầy cô không chỉ yên tâm công tác, mà còn có thêm động lực và niềm vui mỗi khi đến trường.
Trân trọng cảm ơn đại biểu, và xin chúc mừng cô giáo Hà Ánh Phượng cùng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11! Chúc cho những hy vọng của đại biểu - cô giáo sẽ sớm trở thành hiện thực!

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng sinh năm 1991 ở xã nghèo Thượng Long, huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Từ nhỏ đã có ước mơ làm cô giáo, và tò mò về các nền văn hóa trên thế giới, Hà Ánh Phượng đã thi vào ngành Ngôn ngữ Anh để có thể hiện thực hóa ước mơ của mình.

Chọn trở về giảng dạy tại Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ - nơi có trên 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, cô giáo Hà Ánh Phượng đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng về một giáo viên tâm huyết, tận tâm với nghề, có công đưa lớp học từ “vườn chuối” đến với thế giới.

Năm 2020, Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do quỹ Varkey Foudation lựa chọn.

Tuy gặt hái nhiều thành tích, nhưng cô giáo Hà Ánh Phượng tự nhận: “Chỉ là một cô giáo bình thường bước ra từ vườn chuối”. Cô Phượng chia sẻ, cô luôn có niềm tin vào các học sinh người dân tộc ít người. Chỉ cần trao cơ hội, bất kỳ học sinh nào cũng có thể phát huy được khả năng của bản thân và dù ở đâu, học trò cũng đều có quyền được hưởng một nền giáo dục tốt nhất.

Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Theo Đời sống
Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Bộ trưởng Bộ Công an điều động và bổ nhiệm Đại tá Lê Anh Hưng - Trưởng phòng, Phòng Điều tra các tội phạm khác, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top