Dạy trực tuyến: Cần có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT

(khoahocdoisong.vn) - Để việc học trực tuyến của học sinh hiệu quả, cần có những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của các cấp lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo, tránh tình trạng mạnh trường nào trường ấy làm.

Học sinh quá nhớ trường và muốn học

Cho đến thời điểm này, theo tìm hiểu của PV KH&ĐS nhiều trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập đã triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh. Từ tuần tới, một số trường công lập cũng bắt đầu tổ chức cho học sinh học trực tuyến.

Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (ĐHSPHN), ngay từ tuần đầu tiên học sinh không được đến trường do dịch Covid-19, giáo viên đã sử dụng phần mềm Office 365 của Microsoft để triển khai dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu của Nhà trường.

Và đến ngày 9/3, môn Thể dục cũng đã được nhà trường đưa vào dạy trực tuyến.

Giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đang tự dạy lẫn nhau về dạy trực tuyến.

Giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đang tự dạy lẫn nhau về dạy trực tuyến.

TS Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, chia sẻ, ban đầu các giáo viên dạy thể dục rất băn khoăn, vì môn Thể dục là môn thực hành có nhiều nội dung dạy học rất khó tổ chức dạy học online.

Sau đó họ quyết tâm dạy học online giống như các môn học khác đang triển khai. Mục tiêu của mỗi bài học được thiết kế gắn với chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD&ĐT quy định song đề cao yếu tố giúp học sinh được vận động.

Ngay khi những tiết thể dục đầu tiên được tổ chức, cha mẹ học sinh rất phấn khởi, họ đánh giá cao những nỗ lực của thầy, cô. Cá biệt có phụ huynh đề nghị tăng thêm 2 tiết thể dục trong một tuần, vì thấy con cần tăng cường vận động khi học ở nhà.

Tham dự trực tiếp vào một giờ môn Toán, cũng là giờ mà Hiệu trưởng đang trực tiếp dự, chúng tôi thấy GV có thể vẽ hình trên màn hình trình chiếu power point theo phần trình bày của HS, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh không khác nhiều so với dạy học trên lớp, chỉ khác ở khoảng cách.

Thầy giáo gọi tên, trò nhiệt tình phát biểu, các học sinh góp ý cho nhau. Hết giờ, học trò chụp vở ghi bài gửi lên ứng dụng để giáo viên kiểm tra. Mọi thông tin của học sinh từ việc ghi chép bài, làm bài tập về nhà sẽ được giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm cập nhật và gửi về cho cha mẹ học sinh.

“Giáo viên trường Nguyễn Tất Thành biết học sinh đang rất nhớ trường, nhớ lớp và muốn đến trường học. Vì vậy, họ luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng thành thạo nhiều công cụ dạy học online nhằm hấp dẫn, thu hút học sinh và tăng cường hiệu quả dạy học online. Giáo viên đã bước qua những khó khăn của việc sử dụng công nghệ để từ đó giáo dục HS tinh thần trách nhiệm, ý thức vượt khó và năng lực tự học”, bà Thu Anh chia sẻ.

Cần có sự chỉ đạo thống nhất của Bộ GD&ĐT

Theo TS Nguyễn Thị Thu Anh, để có được một giờ dạy trực tuyến hiệu quả, các giáo viên phải chuẩn bị vô cùng vất vả. Sau mỗi tiết học giáo viên phải sử dụng được nhiều công cụ để giám sát, đánh giá việc tự học của học sinh ở nhà.

Dịch Covid-19 đang có những diễn biến khó lường, chưa biết bao giờ học sinh mới được đến trường, dạy học online là một giải pháp phù hợp đòi hỏi các nhà trường phải cố gắng song cũng cần có những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của các cấp lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo.

Đồng quan điểm, cô giáo Nguyễn Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục, trực thuộc Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, khi dịch bệnh Covid -19 chưa biết lúc nào kết thúc và HS được quay lại trường, thì dạy trực tuyến rất cần thiết, để GV được thực hiện nhiệm vụ của mình và học sinh không quên kiến thức vì kì nghỉ quá kéo dài.

Một giờ dạy trực tuyến của Trường THPT Khoa học Giáo dục.

Một giờ dạy trực tuyến của Trường THPT Khoa học Giáo dục.

Trường THPT Khoa học Giáo dục cũng đã tiến hành dạy học trực tuyến từ đầu mùa dịch để HS luôn có thói quen học tập liên tục.

Nhưng hiện nay, việc dạy học trực tuyến giữa các trường, các cấp chưa có sự đồng đều và chưa đồng nhất trong nội dung dạy học. Các phương tiện và phần mềm đưa vào dạy học trực tuyến cũng đa dạng, do các trường chủ động lựa chọn.

Thực tế, có những trường triển khai học trực tuyến ngay từ đầu mùa dịch. Nhưng cũng có trường mới triển khai học được 2-3 tuần.

Về nội dung giảng dạy, có những trường chỉ dạy theo hướng ôn luyện kiến thức cũ đã học, vì cho rằng sau này phải dạy bù. Nhưng lại có trường dạy tiếp nối kiến thức mới theo thời khóa biểu và phân phối chương trình.

Cho nên, ở những tỉnh đang triển khai học online, các Sở Giáo dục Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể cho chương trình đào tạo học kì II.

Cần chỉ đạo rõ nội dung chương trình dạy học trực tuyến là ôn luyện kiến thức - kĩ năng đã học hay dạy bài mới, để có sự đồng nhất trong phạm vi khu vực khi học sinh chính thức quay lại trường sau dịch.

Điều đó cũng thuận lợi hơn trong viêc các Sở GD&ĐT trong khâu chỉ đạo khi hướng dẫn tổ chức khảo sát chất lượng nửa học kì II và thi kết thúc năm học.

Về quan điểm của Bộ GD&ĐT, những nơi đã tổ chức dạy học trực tuyến kiến thức mới thì khi học sinh trở lại trường vẫn phải có kế hoạch bố trí dạy bù, cô giáo Nhung cho rằng điều này rất hợp lí và cần thiết.

Bởi vì chất lượng học sinh giữa các trường và trong một lớp học có sự khác nhau. Dạy trực tuyến chủ yếu tương tác một chiều của thầy, số lượng học sinh được tham gia phát biểu xây dựng bài không nhiều nên giáo viên chưa thể đánh giá chính xác số lượng học sinh hiểu bài và có thể thực hành luyện tập.

Học trực tuyến còn đòi hỏi sự tự giác của bản thân học sinh. Với học sinh khá giỏi, biết cách tự học sẽ học tốt. Với học sinh trung bình trở xuống lại cần người tương tác hướng dẫn trực tiếp, trong khi dạy trực tuyến lại hạn chế điều này.

Đặc biệt, khi dạy trực tuyến, giáo viên sẽ khó nắm bắt được nhận thức của học sinh. Khi làm bài tập được giao, nhiều học sinh còn làm bài qua quýt cho xong hoặc lên mạng tham khảo đáp án chứ không tự tư duy như học trên lớp. Cho nên, việc vẫn phải học bù củng cố kiến thức dù đã học trực tuyến là hợp lý.

Tuy nhiên, việc dạy học bù cũng có một số bất cập. Thứ nhất, với những học sinh khá giỏi tiếp thu bài tốt sẽ cảm thấy chán nếu phải học lại bài đã học. Bản thân giáo viên cũng sẽ thấy kém hứng thú lại phải giảng lại bài.

Thứ hai, đối với các trường đã dạy trực tuyến bài mới ngay từ đầu, số tiết dạy tới thời điểm này khá nhiều. Khi phải dạy lại sẽ không đơn giản trong khâu chỉ đạo quản lí; bởi chất lượng học sinh không đồng đều, cần phải khảo sát nhu cầu học sinh và dạy lại cho HS tiếp thu chậm.

“Theo tôi, cần có sự hướng dẫn từ phía Bộ GD&ĐT và chỉ đạo chuyên môn từ các Sở Giáo dục để các cấp học thống nhất nội dung dạy học trực tuyến. Điều này thuận lợi và đồng bộ giữa các trường từ việc dạy học tới kiểm tra đánh giá; tránh sự chênh lệch, thiệt thòi cho học sinh và lãng phí công sức của giáo viên. Bởi để thực hiện một bài giảng trực tuyến, công sức của cả một ê kip phải bỏ ra vô cùng lớn”, cô giáo Nhung chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD%ĐT khẳng định, việc dạy học trực tuyến với học sinh phổ thông không thay thế được hoàn toàn việc dạy học tại trường.
Các trường đã tổ chức dạy kiến thức mới bằng hình thức trực tuyến vẫn cần bố trí thời gian trên lớp. Để từ đó học sinh có cơ hội luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, giải đáp những nội dung học sinh còn thắc mắc, không hiểu.
Để thiết kế nội dung dạy học bù đắp phần còn yếu, còn thiếu các trường có thể thực hiện việc khảo sát, đánh giá học sinh qua thời gian tự học hoặc học trực tuyến. Bố trí đủ thời gian, phòng lớp học và giáo viên cho việc dạy bù.
Theo Đời sống
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

“Điều chúng tôi muốn hỗ trợ sinh viên là trong quá trình đó các em học được kỹ năng, tư duy khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, điều mà các em có thể áp dụng ở mọi mặt của cuộc sống, ngay cả trong đời sống hàng ngày và cả sự nghiệp sau này”, TS Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni chia sẻ.
back to top