Dây sâm lông

(khoahocdoisong.vn) - Sương sâm còn gọi là sương sáo, sâm nam, thạch đen ăn rất mát, nhất là mùa hè nóng nực.

Dây sâm lông (vì lá dây có nhiều lông), tên khoa học là Cycleapesltata, thuộc họ tiết dê Menispermaceace. Loại này có dây dài đến 5m, cuống lá dài hơn, phiến lá hình tim, hoa quả mọc thành chùm dài, loại này có khá nhiều chất pectin. Cây mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở các tỉnh miền trung, đến mùa hè nắng nóng thường có bán lá sâm lông ở các chợ, được người dân mua về làm sương sáo.

Cách làm sương sâm đơn giản. Nhân dân ta hái khoảng nửa cân lá tươi rửa sạch, cho 1 lít nước chín, cho lá vào vò nát khi nước chuyển sang màu xanh, lược lấy nước cốt bỏ bã, có thể cho thêm nửa muỗng bột nang con mực hoặc bột thạch cao phi cho mau sánh đặc lại là được. Cho sương sâm vào tủ lạnh ăn mát. Sương sâm không chỉ là món ngon bổ mát còn là vị thuốc rất có lợi cho sức khỏe.  Theo y học cổ truyền, sương sâm có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, nhuận tràng, thường dùng chữa nóng nhiệt, táo bón, kiết lỵ, tiểu buốt gắt. Tuy nhiên mỗi loại cây sương sâm có tính năng tác dụng khác nhau.

Dây sâm lông vị ngọt, đắng, tính mát, tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, hành ứ, lợi tiểu, trị nóng nhiệt, đầy bụng, chậm tiêu, sỏi tiết niệu, táo bón, mụn nhọt. Chữa tiểu tiện khó, sốt, lỵ lấy lá tiết dê tươi 50g vò nát hay giã nhỏ, thêm một ít nước chín nguội, vắt lấy nước, để một chốc cho đông lại mà uống. Có thể thêm đường cho dễ uống. Ngày 40 - 100g lá tươi. Chữa chậm tiêu, đau bụng lấy rễ tiết dê 4 phần, hạt tiêu 5 phần, gừng 6 phần, tất cả trộn đều, thêm mật ong vào nhào thành bột nhão, viên thành viên, ngày uống 0,2 - 0,3g.

Lương y Nguyễn Văn Phúc (Phòng khám Đa khoa Thiên Nam)

Theo Đời sống
back to top