Day huyệt tay điều trị viêm khớp vai

(khoahocdoisong.vn) - Khi bị viêm đau khớp vai, không đưa được tay ra trước, ra sau, lên trên... hãy thực hiện day bấm các huyệt trên bàn tay để phòng bệnh và chữa trị.

Đau khớp vai là một hội chứng đau ở vùng khớp vai do tổn thương xương, khớp vai và phần mềm quanh khớp vai. Thường do chất nhờn ở bả vai không đủ bôi nhờn ở khớp. Tuy không ảnh hưởng tới xương nhưng khi vận động có thể sẽ bị trở ngại. Bệnh càng ngày càng diễn biến nặng hơn, ngay cả khi không vận động cũng sẽ thấy đau, mệt mỏi do suy nhược và cảm lạnh.

Thuật ngữ đau quanh khớp vai chỉ tổn thương phần mềm quanh khớp gồm cơ, gân, bao gân, dây chằng, thần kinh, mạch máu, hay gặp hơn và không bao gồm các tổn thương của xương và khớp vai.

Triệu chứng điển hình của viêm khớp vai là giơ tay khó khăn, xoay chuyển thì đau, từ vai đến cổ tay. Đau gây hạn chế vận động khớp vai, thậm chí không nhấc tay lên được, lâu ngày không vận động dẫn đến teo cơ quanh khớp vai. Ấn tại chỗ có thể thấy đau nhiều nơi quanh khớp vai hoặc có điểm đau rõ rệt như điểm bám gân nhị đầu, gân trên gai, mỏm cùng vai.

Vị trí các huyệt trị đau vai.

Vị trí các huyệt trị đau vai.

Đau tăng khi nghỉ ngơi là đặc điểm nổi bật, giơ tay, giang tay hoặc đưa cánh tay ra sau đều bị hạn chế.

Điều trị viêm khớp vai có 8 huyệt: Huyệt thái uyên, đại lăng, thần môn, dịch môn, hợp cốc, dương khê, hậu khê, trung xung.

Nếu vai không giơ lên được, khó quay trở, hãy kích thích 8 huyệt nói trên. Xoa bóp những huyệt trên bình thường không cảm thấy đau, nếu dùng điếu ngải hơ (cứu) hoặc dùng tăm kích thích, chỉ một lúc sau là có cảm giác đau, đó là hiện tượng bình thường.

Trước khi điều trị cần phán đoán vị trí huyệt có liên quan, cách chẩn đoán như sau:

 Đau phía trước bả vai, huyệt có liên quan là thái uyên, thiếu thương.

 Đưa cánh tay ra theo chiều ngang, khi không thể nâng cánh tay lên được thì huyệt có liên quan là hợp cốc, thương dương. Lúc này, nếu dùng ngón tay ấn lên huyệt hợp cốc, thương dương là có thể nâng cánh tay lên được.

Thử để cánh tay ra phía sau lưng, khi vận động các khớp thấy đau thì cần kích thích huyệt trung xung.

Đưa cánh tay ra phía sau lưng mà bẻ cong các khớp được, nhưng lại không duy trì được tư thế này, kích thích huyệt hậu khê, thiếu trạch.

Sau khi chẩn đoán và tìm ra huyệt có hiệu quả nhất, dùng điếu thuốc cứu hơ nóng hoặc dùng đầu tăm để kích thích huyệt khoảng 15 lần.

Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Theo Đời sống
back to top