Dạy học online: Cô giáo “choáng” vì “sĩ số” lớp từ 36 tăng lên hơn 60

(khoahocdoisong.vn) - Một cô giáo trẻ lần đầu dạy học online đã “choáng” khi sĩ số lớp chỉ có 36, nhưng đã tăng thành trên 60. Có gia đình cả nhà cùng ngồi nghe cô giảng.

Nhiều giáo viên chia sẻ, dạy học online khiến họ mất sức, vất vả hơn rất nhiều lần so với dạy trực tiếp. Đặc biệt, nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành từ phía phụ huynh, thì lại càng thêm áp lực, có cả những giọt nước mắt đã rơi…

KH&ĐS xin trân trọng giới thiệu bài viết của một cô giáo, ghi lại những trải nghiệm dạy học online của cô cùng các đồng nghiệp (tiêu đề bài viết do BBT đặt).

“Hoàng Nam, con bật mic lên nào”

Buổi tối, màn hình máy tính lúc 19 giờ ríu rít tiếng lũ trẻ cùng cha mẹ đăng nhập vào lớp học Zoom. Cũng đã vài tuần trôi qua, có vẻ như phần lớn các con đã dần quen với việc học online.

Những tiếng í ới, hỏi thưa rối rít, không theo bất cứ nề nếp nào. Micro lúc thì tắt, lúc thì bật, có lúc nghe thấy cả tiếng quát nạt lẫn nhau trong gia đình vọng lại. Người kiên trì như tôi, cũng không khỏi cảm thấy mệt mỏi, chứ đừng nói đến những người nóng nảy và thiếu kiên nhẫn. Nhưng hình như có một động lực vô hình khiến cho tất cả anh chị em, dù mệt mỏi, cũng vẫn tiếp tục với công việc như thế mỗi tối đang đợi chờ. Chỉ với một tâm niệm: Khi bên ngoài kia, còn biết bao người chiến đấu, chẳng nhẽ chúng ta lại yếu mềm.

Bởi vì tính đặc thù nên lớp Một được phân dạy buổi tối, tiện cho bố mẹ có thể giúp đỡ các con. Cũng vì thế mà nhiều chuyện dở khóc dở cười khiến cho vừa buồn vừa thương.

"Hoàng Nam, con bật mic lên nào, trả lời cô?", cô giáo gọi.

Không có tiếng thưa của học trò, cô lại gọi tiếp lần hai. Thằng bé vẫn ngay ngắn ngồi trước màn hình, chỉ là nhìn khuôn mặt cậu chàng có vẻ như đang ngủ thì phải. Cô giáo nhấc điện thoại kết nối với phụ huynh thì biết được học sinh đang mải “ngủ gật”. Nghĩ cũng tội, chúng đang quen nghỉ dịch như thế, làm quen với việc học, lại còn ngồi yên một chỗ thì thực vất vả biết bao.

Nhớ mãi cô giáo viên trẻ cùng trường, lần đầu tiên dạy online. Sau buổi dạy, cô tức tốc gọi cho tôi. "Ôi chị ơi. Em choáng quá đi mất. Học sinh lớp em từ 36 thành 60 người, gần như mỗi màn hình học sinh có hai người. Có nhà còn cả nhà ngồi xem vì thằng bé là cháu đầu tiên đi học", cô giáo trẻ giọng đầy hoang mang.

"Không có gì đâu em. Nhiều phụ huynh ngồi kèm con tức là học sinh của em được gia đình quan tâm, đó là điều tốt. Nhớ phối hợp để bố mẹ dạy con dùng máy cho thành thạo và chủ động học. Buổi đầu mà", tôi động viên, giúp cô bình tĩnh lại.

Rồi việc học cũng đi vào quỹ đạo. Lớp Một, cô không chỉ dạy học sinh, mà còn “dạy” luôn cả phụ huynh, mà hầu như lớp nào cũng thế. Năm học trước dù học online, nhưng không vào đầu năm, ít ra, cô và trò còn quen nhau, năm nay thì khác hẳn, vất vả và đau đầu.

Một phụ huynh rất trẻ, sau mấy ngày vật lộn cùng con, mặc dù cô giáo đã gắng chia sẻ cách thức tương tác, nhưng đến ngày cuối cùng tuần đầu tiên, trên Facebook của phụ huynh, xuất hiện một dòng trạng thái. “Các cô giáo hay nhà trường thích vẽ việc à. Hết học online, lại còn nộp bài qua phần mềm. Xong lại phụ huynh phải dạy con cái nọ cái kia. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm chỉ bảo thêm con em mình chứ. Làm gì nó vừa phải thôi, quy củ dở hơi”.

Thế là đủ các bình luận tiêu cực và tích cực. Cô nào đâu có thời gian lên mạng, vì cả tuần quay cuồng với giáo án bài vở, trả lời phụ huynh, hướng dẫn học sinh cho quen việc để còn bước vào dạy kiến thức. Đến khi có phụ huynh không nhịn được gọi cho cô, cô mới tá hỏa. Đến lúc nhấc điện thoại lên gọi cho phụ huynh đó, thì người chủ tài khoản chối đây đẩy, rằng không phải mình viết. Nhưng đến khuya thì bài viết được gỡ xuống. Lòng cô giáo buồn mất mấy ngày. May là có vài phụ huynh hiểu chuyện gọi điện động viên, cô mới vượt qua cú sốc.

May mắn khi được phụ huynh chia sẻ, đồng hành

Tôi biết câu chuyện của cô, động viên cô vài câu nhưng chính mình cũng thấy buồn thay. Nào đâu ai thích dạy học online, nào ai không muốn đến trường để được gặp trò, gặp đồng nghiệp, để được thỏa sức với những bài giảng trên lớp với đủ cảm xúc thăng trầm giữa thầy và trò? Tất cả chỉ là tình thế bắt buộc do dịch bệnh.

Nhiều phụ huynh giản đơn nghĩ rằng, khi con họ đi học, thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về thầy cô. Có người lại cho rằng, việc các thầy cô giao bài tập hay giao việc là đang vẽ việc cho chính mình, "vẽ việc" cho phụ huynh. Và việc sử dụng phần mềm nộp bài, hay hướng dẫn con cách sử dụng máy móc thiết bị, hướng dẫn con thực hiện nhiệm vụ học hoàn toàn là việc của thầy cô. Phụ huynh không biết rằng, khi học sinh học online, nếu không có sự hỗ trợ của cha mẹ, thì thầy cô sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình được. Bởi vì, người ở bên cạnh trẻ lúc này là cha mẹ, chứ không phải thầy cô.

Trong lớp tôi rất nhiều phụ huynh lớn tuổi, sử dụng máy móc là điểm yếu của họ, nhưng tôi may mắn vì tâm lí sẻ chia, đồng lòng, góp sức của các phụ huynh. Lớp của cô giáo nọ cũng nhiều phụ huynh phối hợp chia sẻ. Có người còn nói với cô: “Trước đây, tối chị toàn lướt các trang xã hội. Giờ con học online, mẹ thế là cai được cả nghiện mạng xã hội, mà lại thành rành công nghệ”.

Ôi, nếu ai cũng nghĩ như thế thì tốt quá. 

Dạy học online chỉ là một biện pháp bất khả kháng để chúng ta không dừng lại trước thế giới thay đổi không ngừng nghỉ, không phải sở thích hay niềm vui của bất cứ giáo viên nào. Tham gia dạy học, chính là nhiệm vụ người giáo viên phải thực hiện, và đã làm, thì ai cũng muốn vì các em, mà cố hết sức mình. Cải tiến công nghệ hay cập nhật đổi mới cũng chỉ là họ đang cố gắng để đem lại hiệu quả tốt nhất cho việc dạy và học, không phải họ cố làm màu.

Mong ước thiết tha lúc này, không gì hơn chính là sự sẻ chia của phụ huynh, đồng hành để  cùng nhau để vượt qua. Và mong sao, dịch bệnh mau giảm xuống, chúng ta nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, trên những sân trường xanh bóng cây, tiếng trẻ vui cười sẽ lại rộn ràng như những mùa học trước...

Cô giáo Lê Huyền (Trường Tiểu học Thụy Lâm A, Đông Anh, Hà Nội)

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top