Dạy đạo đức khó như chống tham nhũng

Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Lâu nay chúng ta vẫn nói, đạo đức học đường đã ở mức đáng báo động. Nhưng phải làm thế nào để thay đổi? Điều đó không chỉ phụ thuộc vào nhà trường, mà phải có sự phối hợp của gia đình và xã hội.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam).

Không chỉ là lỗi của ngành giáo dục

Có ý kiến cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông của ta quá coi trọng kiến thức mà xem nhẹ giáo dục đạo đức. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Thực ra, trong chương trình đều có môn đạo đức ở tiểu học, giáo dục công dân ở cấp trung học. Và việc giáo dục đạo đức cho học sinh được quán triệt trong tất cả các môn học, chứ không phải chỉ riêng 2 môn đấy.

Nhưng phương pháp, cách dạy, cách học hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục. Không phải chương trình, mà là nhà trường, là giáo viên còn coi trọng kiến thức, xem nhẹ giáo dục đạo đức.

Trong chương trình học vẫn có môn đạo đức và giáo dục công dân, nhưng đây lại là môn học sinh ít hứng thú nhất?

Mặc dù so với chương trình trước năm 2000, thì môn đạo đức ở tiểu học nội dung đã được đổi mới rất nhiều, phù hợp với thực tiễn hơn và cách dạy đã có nhiều cố gắng đưa học sinh vào các tình huống chứ không phải là giảng giải lý thuyết nữa. Tuy nhiên học sinh vẫn không thích học.

Tôi nghĩ, chủ yếu là do phương pháp giáo dục với các môn học này chưa phù hợp với tâm sinh lý của đứa trẻ và chưa gắn với thực tiễn hàng ngày nên chưa tạo ra hứng thú trong học tập.

Trong dự thảo chương trình mới sắp ban hành có đưa hoạt động trải nghiệm trở thành một hoạt động bắt buộc trong nhà trường. Có thể đấy sẽ là một sự đổi mới trong vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Lâu nay chúng ta vẫn nói đạo đức học đường đã ở mức báo động?

Đúng là vấn đề đạo đức, bạo lực học đường đang ở mức báo động. Ngay trong tháng 3 vừa rồi đã có mấy vụ đánh nhau rất dã man giữa các em gái. Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu và ngành giáo dục lúc nào cũng đặt vấn đề phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhưng kết quả đạt được rất khiêm tốn.

Tại sao cứ để báo động mãi mà không có giải pháp nào, thưa ông?

Đây không chỉ là lỗi ở ngành giáo dục. Tất nhiên trong các vấn đề tổ chức giáo dục trong nhà trường còn có các hạn chế về phương pháp, về hình thức tổ chức…

Nhưng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh có được hiệu quả hay không cần có một môi trường mà đứa trẻ được trải nghiệm. Thì hiện nay cái môi trường ấy tức là môi trường xã hội, không phù hợp với những nội dung giáo dục trong nhà trường. Cho nên giáo dục đạo đức chưa có hiệu quả.

Nhà trường chỉ là hệ thống con

Tức là những điều dạy trong trường khác với thực tế ngoài xã hội?

Ví dụ trong nhà trường ta dạy đứa trẻ về tính trung thực. Giải thích thế nào là trung thực và trung thực biểu hiện ra như thế nào…, thì rất đơn giản. Thế nhưng làm sao trung thực trở thành một giá trị của đứa trẻ được khi mà ở nhà nó thấy bố mẹ nó có tiền vì sống không trung thực. Những người kia tham nhũng mới được sống giàu sang như thế.

Còn những người sống trung thực là những người khổ. Hay ở trường dạy phải chấp hành luật giao thông, nhưng ra đường nếu dừng lại trước đèn đỏ thì mình bị chậm, còn người ta cứ vượt có làm sao đâu. Thế thì làm sao trẻ thấy những điều được dạy dỗ trong nhà trường có ý nghĩa.

Những gì dạy trong nhà trường lại không áp dụng được trong thực tế thì hóa ra ta đang làm một việc vô ích?

Dạy thì vẫn phải dạy chứ. Tìm cách thức như thế nào để học sinh hứng thú học tập, làm sao biến những giá trị của xã hội thành giá trị của bản thân. Bản chất của giáo dục đạo đức, lối sống là như thế. Ví dụ những giá trị của xã hội là trung thực, trách nhiệm… làm sao biến cái đó thành ra giá trị của đứa trẻ, khiến nó tin và sống theo các giá trị đó?

Làm được việc đó không phải dễ và một mình nhà trường không thể làm được, phải có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình, với xã hội và phải có môi trường tiến bộ để cho đứa trẻ được sống. Nhà trường chỉ là hệ thống con trong cái hệ thống lớn này. Khi mà hệ thống lớn xuống cấp như vậy thì làm sao đòi hỏi hệ thống con tốt đẹp.

Nghe thế là đã thấy rất khó?

Khó chứ. Khó như chống tham nhũng vậy. Không có một môi trường xã hội tương thích, phù hợp cho nên kết quả giáo dục của nhà trường rất hạn chế.

Cũng như Đảng và Nhà nước luôn nêu vấn đề chống tham nhũng, từ lâu rồi, nhưng đến bây giờ chống tham nhũng đạt được hiệu quả là bao nhiêu?

Đạo đức của học sinh hiện nay đáng báo động thì lỗi ở nhà trường một phần, của ngành giáo dục một phần, nhưng lỗi của xã hội, của gia đình, tôi thấy rất đáng kể.

Giáo dục đạo đức cho đứa trẻ là quá trình biến giá trị đạo đức của xã hội thành ra  đạo đức, giá trị của cá nhân. Ở trường có thể mới làm được vấn đề nhận thức. Bất cứ phẩm chất đạo đức nào thì cũng phải có được nhận thức, tri thức về phẩm chất đó. Thứ hai phải biểu hiện ra được thái độ đúng đắn. Và cái thứ 3 quan trọng hơn là phải thể hiện ra được hành vi. Khi nào có đủ được cái đó thì mới nói được đứa trẻ có được một phẩm chất.

Nền tảng là văn hóa học đường

Ông có nói giáo dục đạo đức được tích hợp trong tất cả các môn học. Như vậy là giáo viên dạy môn nào cũng có trách nhiệm dạy đạo đức cho học sinh?

Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật lồng ghép vào từng môn học theo đặc thù, là đương nhiên. Nội dung giáo dục đạo đức xoay quanh mối quan hệ của con người với bản thân, với cộng đồng, với đất nước, môi trường…

Trong giáo dục đạo đức, người thầy rất quan trọng. Thầy phải là tấm gương cho học sinh. Nhưng hiện nay không phải giáo viên nào cũng như thế.

Và không phải giáo viên nào cũng coi trọng việc dạy đạo đức?

Yêu cầu là như thế, đánh giá giáo viên là như thế, còn người ta không dạy thì làm thế nào được. Vấn đề liên hệ tùy vào đặc trưng của mỗi môn học cũng như sự sáng tạo, năng lực và tinh thần trách nhiệm của mỗi giáo viên chứ không có văn bản nào ghi là bài này phải liên hệ cái này. Chỉ nêu trong môn này phải chú ý về giáo dục môi trường, giới…

Theo ông, giáo dục đạo đức trong nhà trường cần phải thay đổi như thế nào?

Chắc chắn phải có những thay đổi. Đặc biệt phải bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học và vận dụng các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh.

Thứ hai là thực hiện tốt dự thảo của chương trình mới là đưa học sinh vào các hoạt động trải nghiệm.

Thứ 3 là mỗi nhà trường phải xây dựng được văn hóa học đường. Nếu trường nào cũng xây dựng được văn hóa học đường ở nhà trường mình thì đấy là cái nền tảng để giáo dục đạo đức cho học sinh.

Văn hóa học đường cụ thể là những gì, thưa ông?

Đó là xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường: giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với lãnh đạo, với học sinh, giữa học sinh với nhau, giữa nhà trường với cộng đồng…, phải lành mạnh. Phải tạo nên truyền thống và khai thác những truyền thống tốt đẹp của nhà trường.

Nếu nhà trường nào cũng có những truyền thống như thế thì đấy là môi trường rất tốt để giáo dục đạo đức cho học sinh. Phải nâng cao nhận thức của xã hội trong giáo dục đạo đức, phải có sự phối hợp giữa nhà trường với xã hội, với cộng đồng. Một mình nhà trường thì không làm được.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top