Đầu tư năng lượng và môi trường: Tư nhân 94,8% tổng số, nhưng chỉ chiếm 29,4% doanh thu

Giai đoạn 2010-2019, số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường đã tăng mạnh, chiếm đa số, nhưng lại chỉ chiếm phần nhỏ về doanh thu.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giai đoạn 2010-2019, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh. Đặc biệt là đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, nước sạch, dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn.

Trong lĩnh vực năng lượng, số doanh nghiệp tư nhân tăng từ 69 công ty trong năm 2010, lên 777 công ty vào năm 2019.

Riêng trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời đã tăng trưởng từ 1 doanh nghiệp năm 2010, lên thành 379 doanh nghiệp vào năm 2019. Còn lại là các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng khác.

Trong lĩnh vực môi trường, số doanh nghiệp tư nhân tăng từ 693 (2010) công ty lên 2.713 công ty (2019).

Về tỷ lệ, trong giai đoạn này, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường đã tăng từ 59% lên 94,8% tổng số doanh nghiệp tham gia đầu tư. 

Tương ứng với đó là tổng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng tăng mạnh gấp hàng chục lần 10 năm trước đó.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, quy mô dự án và doanh thu của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong các lĩnh vực này có dấu hiệu ngày càng nhỏ so với doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp tư nhân khu vực này chỉ chiếm 20,3% (2010), 17% (2015) và 29,4% (2019), thấp hơn đáng kể so với khu vực nhà nước.

Để cải thiện điều này, CIEM cho rằng cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng và môi trường. Từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường, cạnh trạnh sòng phẳng, minh bạch.

Ngoài ra, Nhà nước phải có một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách chặt chẽ, nhưng đồng thời phải khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư và phát triển.

Đồng thời cần phải xây dựng chế tài đủ nghiêm đối với những trường hợp vi phạm như gây ô nhiễm. Vì hiện tại, số tiền phạt hành chính đang không đủ răn đe trước sức hấp dẫn của lợi nhuận bất chính mà các đối tượng nhận được.

Đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng thẩm định, đàm phán hợp đồng dự án PPP cho các bộ ngành và địa phương cũng là cách để lĩnh vực này phát triển.

Theo Đời sống
back to top