Đầu tư 4.370 tỷ đồng cho hạ tầng thủy sản trong giai đoạn 2021 - 2025

(khoahocdoisong.vn) - Đầu tư hạ tầng thủy sản có nghĩa đối với ngư dân, góp phần nâng cao chất lượng thủy sản, cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho người dân tránh, trú khi có bão thiên tai. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng thủy sản hiện nay còn yếu và thiếu, chưa được chú trọng đầu tư theo đúng kế hoạch.

Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo thẻ vàng với thủy sản Việt Nam, vì chưa tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU.

Điều này đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đánh bắt, bởi EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Việc tháo gỡ thẻ vàng hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách, không chỉ lấy lại uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo Nghị quyết 36.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên), để gỡ được thẻ vàng của EC thì cần trú trọng đầu tư vào hạ tầng thủy sản như cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão để nâng cao chất lượng thủy sản đánh bắt, cũng như các giá trị được bảo quản sau khi đánh bắt. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng thủy sản hiện nay của Phú Yên và 28 tỉnh, thành phố có biển đã xuống cấp nghiêm trọng và thiếu thốn, nếu không muốn nói là nhếch nhác. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư vào hạ tầng thủy sản trong giai đoạn qua chỉ đạt 28% so với yêu cầu theo Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ X - Quốc hội khoá XIV ngày 10/11, đại biểu Nguyễn Hồng Vân đã hỏi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản cho các tỉnh như thế nào.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, việc bố trí cho các hạ tầng thủy sản hiện nay còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguyên nhân thì có nhiều, chủ yếu là trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước ưu tiên các nhiệm vụ thanh toán nợ đọng, thực hiện các dự án chuyển tiếp, hoàn ứng. Do đó, các cảng cá đã được bố trí trong kế hoạch chưa có đủ tiền để làm.

Đề cập đến giải pháp sắp tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn theo Nghị quyết 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vấn đề đầu vào. Dự kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bố trí trong giai đoạn 2021 - 2025 sắp tới, tổng cộng khoảng 170 dự án với khoảng 4.370 tỷ đồng để giải quyết vấn đề này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất phát triển ưu tiên cho các cảng cá, hạ tầng thủy sản, vấn đề tránh trú bão và an ninh nguồn nước, hồ đập, an toàn hồ đập...

Theo Đời sống
back to top