Đau khớp háng cẩn thận hoại tử chỏm xương đùi

(khoahocdoisong.vn) - Hoại tử vô mạch ( AVN) chỏm xương đùi là một quá trình bệnh lý gây tắc nguồn máu nuôi xương vùng chỏm xương. Đến nay, cơ chế bệnh sinh AVN chưa rõ, tuy nhiên ta biết được đây là hệ quả sau cùng của các yếu tố chấn thương hay bệnh lý, làm giảm cung lượng máu đến nuôi chỏm xương đùi (vốn đã rất nghèo nàn mạch máu). Hoại tử chỏm vô mạch gây chết tuỷ xương, chết tế bào xương, và thường dẫn đến lún xẹp vùng xương hoại tử.

Các phần cốt hoá của xương chậu, ụ ngồi và xương đùi dần hoàn thiện trong giai đoạn 15 - 16 tuổi. Ổ cối có bờ trên hình cầu, cho phép che phủ đến 170º chỏm xương đùi. Trong khi đó, chỏm xương đùi không có dạng cầu hoàn toàn, và hai diện khớp này tiếp nối nhau ở tư thế chịu lực dọc.

Hệ thống các bè xương tại chỏm xương đùi có phương trùng với áp lực nén. Các bè xương dày chạy theo hướng mấu chuyển lên vùng chịu lực của chỏm xương, giúp chống lại các lực nén ép tác dụng lên khớp.

Hệ mạch nuôi dưỡng chỏm xương đùi chủ yếu đến từ ba nguồn: (1) một vòng nối ngoài bao khớp chạy quanh nền cổ xương đùi, (2) các nhánh lên vòng nối trên bề mặt cổ xương đùi và (3) các động mạch dây chằng tròn. Nguồn cấp máu này đi sát với cổ xương đùi, và rất dễ tổn thương nếu có gãy di lệch cổ xương đùi. Hơn nữa, hệ mạch này tận cùng bởi các tiểu động mạch nên dễ tắc do huyết khối.

AVN do chấn thương xuất hiện do gián đoạn cơ học dòng máu cung cấp cho chỏm xương đùi. Các chấn thương trật khớp háng hay gãy trong thể thao, như di lệch trước-sau, gấp/dạng quá mức, là nguyên nhân chấn thương hàng đầu dẫn đến hoại tử chỏm. Tương tự, gãy cổ xương đùi di lệch cũng có thể gây tổn thương vòng mạch, dẫn đến thiếu máu và hoại tử chỏm xương đùi.

Các nguyên nhân bệnh lý có thể dẫn đến hoại tử xương bao gồm:

• Nghiện rượu – Bệnh nhân uống dưới 400ml rượu mỗi tuần có nguy cơ mắc AVN cao gấp 3 lần so với người không uống rượu. Bệnh nhân uống trên 400ml rượu mỗi tuần có nguy cơ cao gấp 11 lần người không uống rượu.

• Các bệnh lý huyết học: Đông máu, bệnh haemoglobin...; Bệnh lý gan mạn; Các bệnh lý chuyển hóa; Điều trị hoá chất, điều trị xạ; Tăng lipid máu; Gout; Corticosteroids.

Bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi có thể biểu hiện triệu chứng không điển hình. Ở giai đoạn sớm của bệnh, bệnh nhân thường không đau. Giai đoạn tiến triển: Bệnh nhân xuất hiện đau và hạn chế vận động. Cơn đau chủ yếu khu trú tại vùng hông, nhưng cũng có thể biểu hiện cả ở mông cùng bên, gối, hay mấu chuyển lớn. Các triệu chứng đau thường tăng nặng khi vận động (chịu lực) và giảm khi nghỉ ngơi. Biên độ vận động giảm, bệnh nhân đau đớn khi vận động, đặc biệt nếu phải xoay khớp thụ động, hạn chế dạng khớp háng thụ động.

Trong giai đoạn đầu của hoại tử vô mạch, các triệu chứng có thể thuyên giảm bằng thuốc và liệu pháp.Trường hợp nặng phải phẫu thuật: giải ép, cắt xương, thay khớp...

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Theo Đời sống
back to top