Dấu hiệu suy giảm kinh tế rõ dần trong tháng 3/2020

(khoahocdoisong.vn) - Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tỷ lệ lạm phát tháng 3/2020

Tỷ lệ lạm phát tháng 3/2020

Tỷ lệ lạm phát tháng 3/2020 tiếp tục giảm xuống 4,87% từ mức 5,40% của tháng trước. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Các lĩnh vực nhà ở và vật liệu xây dựng giảm từ 5,53% trong tháng 2 xuống 4,45% trong tháng 3.

Đặc biệt các dịch vụ từ giao thông vận tải gần như tê liệt do tác động của Covid-19, người dân hạn chế ra đường hơn, nhiều cơ quan cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Các phương tiện giao thông công cộng như xe bus phải giảm lượng lớn lượt xe. Tỷ lệ lạm phát trong ngành này chỉ còn âm 2,62% (tỷ lệ này trong tháng 2 là 4,64%).

Ngược lại, chi phí cho các dịch vụ thực phẩm lại tăng lên 10,4%, cao hơn tháng trước 1,1%. Điều này được lý giải bởi việc gom mua thực phẩm tích trữ của người dân tăng đột biến trước tâm lý lo sợ dịch bệnh Covid-19.

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72%, sau khi giảm 0,17% trong tháng trước. Đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, nếu tính bình quân quý 1/2020 so với cùng kỳ năm trước thì vẫn ở mức cao, tăng 5,56%. Nguyên nhân chính là giá thịt lợn không có dấu hiệu hạ cho đến hết tháng 3.

Cũng trong tháng 3 năm nay, Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của IHS Markit đã giảm mạnh xuống còn 41,9 điểm so với 49,0 điểm trong một tháng trước đó. Nhiều doanh nghiệp đang dần thu nhỏ hoạt động nhập mua và nắm giữ hàng tồn kho, trong khi chuỗi cung ứng lại bị gián đoạn nghiêm trọng do sự chậm trễ từ các nhà cung cấp Trung Quốc.

Ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cú sốc Covid -19. Từ 13/3/2020, Chính phủ tăng cường các biện pháp hạn chế nhập cảnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vì thế giảm 68,1% so với cùng kỳ, xuống 0,45 triệu người. Đây cũng là tình trạng chung một số nước Châu Á khác, thậm chí còn bi quan hơn, khi lượng khách du lịch nước ngoài giảm 77,2 %, chủ yếu là Trung Quốc (giảm 91,5%), Hàn Quốc (giảm 91,4%).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chưa xem xét việc đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để chống dịch Covid -19, ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo Đời sống
back to top