Dầu dừa không phải là “thần dược”

Gần đây, dầu dừa được xem như một “thần dược” chữa bách bệnh… khiến không ít chị em nội trợ mê mẩn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dầu dừa không phải là “thần dược”.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/dau-dua-thay-the-dau-an-300x199.jpg

Dầu dừa thay thế dầu ăn.

Dầu dừa có những giá trị nhất định

Theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều diễn đàn, vì ngộ nhận, không ít người cho rằng, dầu dừa trị được bá bệnh nên đã tự ý sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Người thì làm đẹp, bôi và uống, người thì chiên xào món ăn đều cho dầu dừa không theo một hướng dẫn cụ thể nào. Có người thậm chí chế biến vào bột cho trẻ em ăn dặm.

Trước thực trạng trên, chuyên gia ẩm thực Ngô Thanh Hòa, Vua đầu bếp Việt cho biết, trong nấu ăn, dầu dừa có những giá trị nhất định. Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu hướng dương… có chứa chất béo chuyển hóa transfat, nên khi xào nấu ở nhiệt độ cao sẽ bị oxy hóa, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các bệnh tim mạch.

Để tránh những tác hại đó của dầu thực vật, các chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ đã đưa ra lời khuyên sử dụng dầu dừa thay thế. Dầu dừa có nhiệt độ bốc khói cao (tức dầu dừa có thể được đun nóng ở một nhiệt độ tương đối cao trước khi bốc khói) khiến nó có thể tránh sự oxy hoá và lưu trữ được ổn định hơn. Vì vậy, dầu dừa thích hợp để chiên xào.

Hiện dầu dừa đang được dùng trong thực phẩm qua chế biến bởi nó gần như không đắt tiền và có thể tạo độ giòn xốp cho món ăn. Tuy nhiên, nếu để nấu hoặc trộn salad thì không nên dùng dầu dừa. Các loại dầu khác như dầu đậu nành, dầu cải, dầu hướng dương, dầu ôliu… không tốt khi chiên xào nhiệt độ cao nhưng lại có nhiều axit béo không no, tốt cho sức khỏe ở dạng chế biến nguội, nhiệt độ thấp.

Theo chuyên gia dinh dưỡng BSCK I Đỗ Thị Tuyết, Phòng khám Tư vấn Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội thì trong dầu dừa chứa nhiều vitamin, khoáng chất, axit lauric, chất chống oxy hóa, có tính kháng nấm, kháng khuẩn, kháng virus. Do đặc tính không bị biến chất khi nấu ở nhiệt độ cao nên nhiều chuyên gia cho rằng sử dụng dầu dừa rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện chưa có công trình nghiên đánh giá sâu về tác dụng của dầu dừa trong chữa bệnh.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/dau-dua-300x201.jpg

Dầu dừa.

Chưa được công nhận

Chuyên gia dinh dưỡng BSCK I Đỗ Thị Tuyết cũng cho biết, tác dụng tốt xấu của dầu dừa trong dinh dưỡng hiện vẫn đang gây tranh luận. Dầu dừa có khả năng cung cấp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể và có khả năng kháng khuẩn, chống viêm rất cao.

Thế nhưng, theo dinh dưỡng tim mạch, dầu dừa tốt hơn bơ và các loại chất béo chuyển hoá nhưng lại không tốt bằng các loại dầu thực vật dạng lỏng khác. Kể cả khi dầu dừa không chứa cholesterol, nó vẫn là một loại chất béo bão hoà cần được giới hạn trong khẩu phần ăn.

Cũng theo vị chuyên gia này, các chất béo là một phần rất quan trọng cho một chế độ ăn khoẻ mạnh, nhưng chúng ta chỉ nên ăn vừa đủ lượng, không quá nhiều. Trong dầu dừa có 47,5% axit lauric, khi vào cơ thể chuyển hóa thành monolaurin, có vai trò ngăn chặn các virus gây bệnh như herpes, cúm, megalovirus, thậm chí cả HIV. Nó cũng giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại, các sinh vật đơn bào nguy hại như Giardia lamblia.

Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế tác động thực sự của dầu dừa vẫn chưa được các tổ chức y tế và sức khỏe uy tín công nhận có khả năng chữa bệnh. Dù dầu dừa có chứa một số axit béo (myristic) thân thiện với tim mạch, nhưng cũng chứa lượng axit béo (lauric) không tốt. Vì vậy, những người cao huyết áp, xơ vữa động mạch tránh sử dụng.

Người cao tuổi, người suy nhược, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người trong giai đoạn phục hồi sau ốm bệnh, tiêu chảy do tỳ hư… không nên uống dầu dừa, vì chất béo nói chung đều có tính nhuận tẩy, dẫn đến hiện tượng thiếu nước và chất điện giải, giảm hấp thu chất dinh dưỡng.

Đức Vinh

Theo Đời sống
back to top