Đau dây thần kinh hông to không khó chữa

(khoahocdoisong.vn) - Dây thần kinh tọa (dây thần kinh hông to) là dây thần kinh dài nhất cơ thể, cấu tạo từ nhiều rễ thần kinh độc lập.

Dây thần kinh tọa (dây thần kinh hông to) là dây thần kinh dài nhất cơ thể, cấu tạo từ nhiều rễ thần kinh độc lập. Bệnh đau thần kinh tọa thường gặp ở người trong độ tuổi từ 30- 60, tỷ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn nữ gấp 3 lần.

Cẩn thận với thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng

Đau dây thần kinh tọa xảy ra do nhiều yếu tố, điển hình là thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng (chiếm 60-90%). Sự lão hóa tự nhiên cùng các áp lực trực tiếp khiến nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép dây thần kinh tọa. GS. TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học VN cho biết, đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa hai đốt sống kế cận.

Nó có hình cái đĩa,, bên ngoài là một bao xơ dày và chắc, trong ruột là chất nhầy, gần giống như lòng trắng trứng, gọi là nhân nhầy. Khi bao xơ bị rách, nhân nhầy bên trong sẽ thoát ra ngoài, tạo thành một khối gọi là khối thoát vị. Nếu khối thoát vị đè vào rễ thần kinh sẽ gây ra các hiện tượng đau, tê, yếu liệt. Nếu khối thoát vị xảy ra ở vùng thắt lưng sẽ chèn ép các rễ tạo thành thần kinh tọa, gây ra đau thần kinh tọa.

Thoát vị nằm ở vùng cổ có thể gây ra đau cổ, vai hoặc đau, tê, yếu liệt tay chân. Nếu thoát vị ở vùng ngực, bệnh nhân có thể bị chứng đau thần kinh liên sườn. Các đĩa đệm ở vùng cổ và vùng thắt lưng hay bị thoát vị nhất.

Đau dây thần kinh tọa còn do các bất thường vùng cột sống thắt lưng cùng (bẩm sinh hoặc mắc phải). Những người bị gai đôi S1, hẹp ống sống và những dị tật bẩm sinh có thể gây áp lực lên dây thần kinh tọa. Đối với nguyên nhân mắc phải như trượt đốt sống, thoái hóa khớp liên cuống, bệnh paget gây phì đại cuống đốt sống, các khối u của xương, viêm nhiễm tại chỗ, ung thư di căn vào cột sống.

Ngoài ra, các nguyên nhân gây đau thần kinh tọa trong ống sống như u tủy, u màng não tủy, u dây thần kinh tủy (neurinoma), u mỡ vùng tủy, viêm màng nhện tủy khu trú. Áp xe ngoài màng cứng vùng thắt lưng. Một nguyên nhân hiếm gặp, khó chẩn đoán như dãn tĩnh mạch quanh rễ, dãn tĩnh mạch màng cứng, rễ thần kinh L5 và S1 to hơn bình thường…

Ai cũng có thể mắc bệnh

Nhiều bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa không rõ nguyên nhân thường thắc mắc, họ không bê vác nặng thì tại sao nhân nhầy có thể thoát ra ngoài bao xơ thành khối thoát vị được? Theo các chuyên gia, điều này do quá trình thoái hóa gây ra. Khi con người mới biết đi, đĩa đệm đã bắt đầu thoái hóa, càng lớn tuổi quá trình thoái hóa diễn ra càng nhanh.

Các bộ phận khác của cơ thể cũng thoái hóa, bởi thế, thoái hóa được liệt vào là nguyên nhân hàng đầu gây ra các thoát vị đĩa đệm. ở một số bệnh nhân viêm khớp, lao động nặng, chấn thương…càng khiến bao xơ yếu đi và nứt nẻ. Nếu các bộ phận bị thoái hóa đó chèn ép vào các bộ phận khác của cột sống sẽ gây ra đau lưng hoặc đau cổ.

Thoát vị đĩa đệm thường gặp ở thanh niên, người trung tuổi; Thoái hóa cột sống thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Để phòng bệnh, điều quan trọng là phải thay đổi lối sống, tích cực tập luyện thể dục, không ngồi lâu một chỗ, ngồi sai tư thế, tránh mang vác nặng quá sức.

Những biện pháp phòng bệnh đơn giản

Theo các chuyên gia, người thoái hóa cột sống chỉ cần tập luyện và uống thuốc giảm đau, chống đau lưng…Đối với thoát vị đĩa đệm, ở giai đoạn cấp, cần nằm nghỉ tại giường cứng trong vài ngày cho đĩa đệm tự vào, có thể uống hoặc tiêm thuốc giảm đau. Nếu không tự vào được, cần đến bệnh viện khám và điều trị. Phương pháp điều trị hiện nay là bảo tồn ngoại khoa (chiếm 90-95% và phẫu thuật chiếm 5-10%).

Càng có tuổi càng dễ mắc thoái hóa cột sống, vì vậy các bài tập thể dục nên chú trọng củng cố cơ lưng và bụng, tập cân đối hai bên. Bơi lội và đạp xe tốt cho cột sống. Với người khỏe, ưa các bài thể thao nặng nên có phần khởi động làm nóng cơ trước khi bước vào bài tập. Với người lao động trí óc, người làm văn phòng khi đứng hay ngồi nên giữ thẳng lưng, không nên ngồi quá lâu, thỉnh thoảng cần thay đổi tư thế.

Khi đứng lâu nên đổi chân cho khỏi mỏi. Khi bê đồ nên ngồi xổm xuống sau đó nhấc đồ, nhấc từ từ để cột sống thẳng, bê đồ sát người để giảm áp lực đối với cột sống. Đối với thanh niên, khi đeo ba lô nên đeo cân đối 2 bên vai. Người cao tuổi nên dùng đệm cứng, nên gác chân khi nằm nghiêng. Phụ nữ hạn chế đi giày cao gót, người béo phì cần giảm cân để giảm áp lực cho cột sống.

Khi bị đau lưng nên áp dụng bài tập đơn giản: Nằm sấp xuống sàn nhà, hai tay duỗi dọc theo cơ thể, hai chân dang rộng bằng vai. Co hai chân lên, từ từ gập đầu gối. Hai tay đưa về phía sau, nắm lấy hai cổ chân. Hít sâu, nâng ngực, mặt hướng về phía trước, toàn cơ thể tạo thế uốn cong và dãn căng. Giữ yên tư thế trong 15 giây sau đó thở ra nhẹ nhàng. Thả tay, hạ thấp phần thân trên, đưa chân xuống đất và trở về vị trí ban đầu. Nên lặp lại động tác 4- 5 lần.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top