Đặt stent cứu bệnh nhân lóc tách động mạch chủ typ B

(khoahocdoisong.vn) - Lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã ứng dụng kỹ thuật can thiệp tim mạch đặt 2 stent grap cứu bệnh nhân bị lóc tách động mạch chủ (ĐMC) typ B. Đây là một thảm họa thực sự của bệnh tim mạch nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể bị suy đa tạng, hoại tử ruột, hoại tử chi, thậm chí đột tử nếu phần lóc tách bị vỡ.

Đau ngực như dao đâm – thảm họa của bệnh tim mạch

Bà Bùi Thị Vượng, 63 tuổi (Phù Linh, Phú Thọ) được cấp cứu vào viện trong tình trạng đau ngực dữ dội như dao đâm lan xuống bụng, tim đập nhanh, huyết áp tụt...Kết quả chụp cắt lớp CT dựng hình ĐMC cho thấy bà bị lóc tách ĐMC typ B từ đoạn đầu mạch chủ dưới đùi bên trái xuống dưới đòn 2 bên, dài 20 cm.

Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, lóc tách có thể gây thiếu máu tạng làm hoại tử ruột, hoại tử chi, suy đa tạng. Đặc biệt nguy hiểm nếu lóc tách vỡ bệnh nhân có thể đột tử tức thì. Sau khi đặt 2h bệnh nhân giảm đau, máu lưu thông tốt và ra viện sau 3 ngày.

BSNT Đỗ Viết Thắng, Phó trưởng đơn vị tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, trước đây BN bị lóc tách ĐMC bắt buộc phải chuyển xuống tuyến TƯ. Nhiều trường hợp BN đột tử trên đường đi không cách nào cứu sống được. Bởi  lóc tách ĐMC thực sự là một thảm họa trong chuyên khoa tim mạch. ĐMC là động mạch lớn nhất của cơ thể, đưa máu từ tim tới các cơ quan trong toàn cơ thể.

Bình thường, ĐMC có 3 lớp: nội mạc, xơ chun (lớp áo giữa) và áo ngoài. Phình lóc tách xảy ra khi có tình trạng tách xé rách lớp áo trong và áo giữa tại một vị trí yếu nhất. Giữa lớp áo giữa và lớp áo ngoài sẽ có một dòng máu dưới áp lực gây lóc tách lan rộng trên toàn bộ động mạch chủ.

Phần máu lưu thông giữa lớp áo giữa và áo ngoài bị lóc tách gọi là lòng giả, phần này rất mỏng và dễ vỡ gây chảy máu ồ ạt. Lóc tách ĐMC gây nguy cơ thiếu máu các tạng do lóc tách lan vào gốc các động mạch nuôi các tạng (ruột, gan, thận).

Lóc tách ĐMC xuất phát từ ĐMC lên (là phần đầu ĐMC, đi từ tim cho tới các động mạch đi lên não và 2 tay), được gọi là lóc tách ĐMC type A.

Lóc tách ĐMC xuất phát từ ĐMC xuống được gọi là lóc tách type B. BN lóc tách ĐMC type A gần như chắc chắn sẽ tử vong nếu như không được phẫu thuật kịp thời.

Nguyên nhân tử vong chính là vỡ ĐMC vào màng tim gây ép làm ngừng tim, lóc tách vào lỗ các động mạch vành làm tắc động mạch vành, hở van ĐMC gây suy tim cấp hoặc tắc các mạch máu não gây đột quỵ. Lóc tách động mạch chủ typ B có thể gây nhồi máu ruột, thuyết tắc chi dưới, vỡ lòng giả...

Thăm khám cho bệnh nhân lóc tách động mạch chủ typ B sau đặt stent

Thăm khám cho bệnh nhân lóc tách động mạch chủ typ B sau đặt stent

Giá đỡ cho mạch ghép

BSNT Đỗ Viết Thắng cho biết, với bệnh nhân lóc tách ĐMC, thời gian là thước đo của sự sống, đặc biệt với lóc tách ĐMC type A cấp tính. Nếu tăng thêm 1 giờ chờ đợi, BN sẽ tăng thêm 1% nguy cơ tử vong. Khoảng 50% BN tử vong  trong 48 giờ đầu, 75% trong tuần đầu và tới 90% trong tháng đầu.

Lóc tách ĐMC Type A vỡ vào màng tim gây ép tim cấp tử vong gần như 100%, bệnh nhân cần phải mổ cấp cứu.  Với type B tỷ lệ tử vong ít hơn nhưng nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có nguy cơ tử vong từ 80- 90% do vỡ khối động mạch bị tắc.

Phẫu thuật tỷ lệ thành công thấp, đặt stent graft (stent giá đỡ) được coi là một phương pháp cơ bản để điều trị lóc tách ĐMC đoạn xa, trước khi xảy ra biến chứng.

Theo BSNT Đỗ Viết Thắng, đặt stent graft là một can thiệp nội mạch, không cần phẫu thuật. Bác sĩ chỉ cần mở một đường vào động mạch đùi 2 bên đưa dụng cụ và stent lên chỗ bóc tách để đặt stent và giá đỡ vào. Nhờ đó, lòng thật sẽ ép lòng giả nhỏ lại cho máu đi hoàn toàn trong stent graft.

Đặt giá đỡ được coi là thành công khi bít được vết nứt nộ mạc đầu tiên, gây đông lòng giả 2 giờ sau đặt. Tỷ lệ thành công trên lâm sàng từ 76- 100%, tỷ lệ tử vong sau 30 ngày là 20%.

BSNT Đỗ Viết Thắng cảnh báo, bệnh có thể tái phát. Những yếu tố nguy cơ để xuất hiện lóc tách ĐMC là tăng huyết áp, xơ vữa ĐMC, rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol máu...

Để tránh tình trạng bóc tách ĐMC, những người có yếu tố nguy cơ cao như: tuổi trên 60, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người phình ĐMC, cảm giác mạch đập gần rốn, (trường hợp phình ĐMC bụng), đau ở vùng bụng hoặc ngực, đau lưng… thì nên thường xuyên thăm khám, siêu âm để phát hiện theo dõi và điều trị kịp thời tránh để ĐMC phình bị lóc tách hoặc vỡ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Theo Đời sống
back to top