Đất học Trạng Quỳnh

Tháng 9, đang độ vào thu, những vệt mây trắng mỏng tang ẩn trong nắng nhạt là là soi bóng hạ nguồn sông Mã. Từ trên cao nhìn xuống, xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ) như một vệt hồng nổi bật giữa bãi ngô xanh mướt.
Đất học Trạng Quỳnh

Nhà thờ Nguyễn Quỳnh

 Ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch Hội khuyến học xã Hoằng Lộc nắm tay tôi như người bạn lâu ngày gặp lại. Bỏ qua thủ tục xã giao, ông tự hào nói về truyền thống hiếu học của dân Hoằng Lộc: "Gần 6 thế kỷ, kể từ năm 1461, người học trò đầu tiên ở Hoằng Lộc tên Nguyễn Nhân Lễ thi đỗ Tam giáo đồng nguyên lúc mới 21 tuổi.

 Từ đó đến giữa thế kỷ XIX, nói chính xác là năm 1843, Hoằng Lộc có nhiều người đỗ đại khoa, như Nguyễn Cần, Nguyễn Nhân Thiệm, Nguyễn Thứ, Nguyễn Lai, Nguyễn Ngọc Huyền, Lê Huy Du, Nguyễn Tôn Thố, Nguyễn Bá Nhạ. Hết nhà Mạc, nhà Lê rồi nhà Nguyễn mở khoa thi, xã Hoằng Lộc có 12 người đỗ đại khoa, trong đó có 7 người được đề tên trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Gíám, Hà Nội".

 Mười ba năm trước, lần đầu đến thăm nhà Trạng Quỳnh, ông Lê Duy Phởng - một cán bộ văn hóa xã Hoằng Lộc giải thích với tôi về sự ra đời của mô hình "Làng văn" để cổ vũ tinh thần hiếu học của con em trong xã: "Làng văn" là nơi tập hợp những người hiếu học chuyên khuyến khích, cổ vũ con em đi học và khi thi phải đậu điểm cao.

 "Làng văn" còn có trách nhiệm chăm sóc bia Văn chỉ của huyện Hoằng Hóa đặt tại Hoằng Lộc, đồng thời tổ chức các buổi bình thơ như một loại tao đàn ở nông thôn. Xa xưa, người Hoằng Lộc còn góp tiền, góp công theo hình thức xã hội hóa xây dựng Bảng môn đình. Bảng môn đình trở thành địa chỉ dành cho những người đỗ đạt trong các kỳ thi hoặc biết nuôi chí lập nghiệp bằng con đường học tập và thi cử. Đình xây từ thời nhà Lê đến nay đã trên 400 năm.

 Ban đầu đình nhỏ hẹp trên khu đất tiền sảnh của miếu thờ đại tướng quân Nguyễn Tuyên. Năm 1750, đình được mở rộng, đến năm 1908 trùng tu, năm 1932 đại tu. Nội đình chia làm ba khu, mỗi khu có cách gọi khác nhau: Khu Trung hàng dành cho những người đậu tiến sĩ ngồi, khu Tả hàng là vị trí của các sinh đồ, khu Hữu hàng dành cho những học trò nhiều lần lều chõng đi thi mà chưa đỗ đạt nhưng vẫn giữ được phẩm chất, đạo đức.

 Dù làm tri huyện, tri phủ nhưng học vị thấp vẫn không được ngồi chung với các vị tiến sĩ ở khu Trung hàng. Tiến sĩ nhưng tuổi còn ít thì ngồi phía dưới người cùng học vị tuổi cao hơn. Có thể nói, Bảng môn đình ở Hoằng Lộc là mô hình khuyến học độc đáo và lâu đời nhất ở nông thôn nước ta.

    Hạ nguồn sông Mã
    

     Hạ nguồn sông Mã

   

 Xin nói thêm là đình Bảng ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh được một người phụ nữ xứ Thanh cùng chồng quê Bắc Ninh làm quan xây cất vào thế kỷ XVII để thờ Thần hoàng chứ không dành tôn vinh tinh thần hiếu học như Bảng môn đình ở Hoằng Lộc.

 Trong truyền thống, người dân xã Hoằng Lộc rất tôn vinh những người thanh liêm chính trực và biết thương dân nghèo, dù thi đỗ cao hay thấp, làm quan to hay nhỏ. Họ là những người được rèn luyện tài và đức ngay từ lúc còn ở quê. Người Hoằng Lộc vẫn truyền câu chuyện thượng thư Bùi Khắc Nhất văn võ toàn tài, có công lớn với nhà Lê.

 Khi ông được giao chức Hữu thị lang Bộ Hình trông coi việc xét xử, nhờ công minh chính trực, ông đã cứu được nhiều người bị oan. Nguyễn Ngọc Huyền, Hà Duy Phiên làm quan to trong triều, luôn lấy đức làm gốc, lấy tài làm trọng để điều hành công việc quốc gia.

Đặc biệt xã Hoằng Lộc có Nguyễn Quỳnh (1677 - 1748) tuy chỉ đỗ hương cống thời Lê nhưng khí tiết thẳng thắn cộng trí thông minh thiên phú, đã dùng văn thơ đả kích trực diện bọn tham quan ô trọc cùng những thói hư, tật xấu trong dân gian. Nhân dân phong ông là Trạng Quỳnh để tỏ lòng tôn kính một tài năng đặc biệt.

 Ba thế kỷ đã qua, ngôi nhà ba gian, mái ngói cửa vẫn khép hờ như để chờ đón Trạng Quỳnh về với quê hương.
 Cùng với Bảng môn đình, nhà thờ Trạng Quỳnh là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 Trao đổi với chúng tôi về cơ cấu kinh tế của xã, ông Bùi Khắc Luận, Chủ tịch Hội Nông dân Hoằng Lộc cho biết: "Hoằng Lộc tuy là xã nông nghiệp nhưng lại không thuần nông. Nguồn thu chủ yếu từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và xây dựng, tỷ trọng GDP thu từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 12,5%".

 Phân tích sâu hơn về chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ông Nguyễn Trường Thành nói: "Hoằng Lộc là đất học, dù có làm nông cũng lấy kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng. Người Hoằng Lộc muốn giàu có phải lấy tri thức của sự học mà làm ăn, không thể bám vào sản xuất nông nghiệp được".

 Ông Thành nói có lý. Bởi ở Hoằng Lộc, diện tích trồng trọt tính trên đầu người bình quân chưa tới 230m2. Trong  gần 5.000 nhân khẩu của xã chỉ có 30% sống bằng nghề nông. Sản lượng lúa trong năm chia theo đầu người chưa tới 136kg, làm sao đủ ăn, nói chi khá giả từ nghề nông.

 Từ xa xưa, bài toán làm kinh tế ở một nơi coi sự học là hàng đầu được người Hoằng Lộc giải khá thành công.

 Lần theo "sự học" của người Hoàng Lộc, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì trên mảnh đất chừng 1,3 triệu mét vuông nằm phía tả ngạn hạ lưu sông Mã, 362 năm các triều đại nhà Lê nắm quyền cùng 107 năm nhà Nguyễn trị vì mở chế đô thi cử, 186 người đậu hương cống, cử nhân, 137 người đậu sinh đồ, tú tài đã ly nông. Nhiều người trong họ làm tới thượng thư, sứ thần, quận công hoặc tước hầu, tri phủ, tri huyện, đốc học...

 Nhờ được học hành cơ bản, thu nhập của tầng lớp này luôn cao gấp nhiều lần so với nông dân bám vào cây lúa, ruộng ngô ven bờ sông Mã. Kể từ 1954 đến nay, người Hoằng Lộc luôn phát huy truyền thống hiếu học của tiền nhân. "Tuy một bộ phận nhân dân chưa giàu có, nhưng tinh thần học tập (hiếu học) thì không bao giờ ngơi nghỉ. Hầu như nhà nào cũng tập trung chăm sóc con cái học  hành" - ông Nguyễn Trường Thành khẳng định.

 Ông Thành cũng cho biết, cách nay 71 năm ở Hoằng Lộc đã có trường tư thục Nghĩa Hưng, năm 1957 đổi thành trường Tố Như. Nơi đây đã ghi dấu ấn nhiều giáo sư danh tiếng như Bạch Văn Ngà - hiệu trưởng đầu tiên của trường, giáo sư Ngụy Như Mộng Huyền - em ruột giáo sư Ngụy Như Kon Tum - Hiệu Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thập niên 1960 - 1970, giáo sư Ngô Thúc Lân, giáo sư Trịnh Quỳ, giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Đặng, kỹ sư Nguyễn Bính - chuyên gia rà phá bom từ trường trong chiến tranh phá hoại của Mỹ.

 Cách nay 17 năm, học sinh Nguyễn Phi Lê đoạt huy chương bạc trong cuộc thi toán quốc tế, năm 2001 em Bùi Lê Na đoạt huy chương bạc môn vật lý cuộc thi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Thành tổng kết: "Sáu mươi năm qua, người Hoằng Lộc có đến 39 giáo sư, tiến sĩ và trên 1.000 người có trình độ đại học".

 Để giữ gìn tinh thần hiếu học, dẫu có thành đạt nơi đất khách, người Hoằng Lộc vẫn dành tình cảm và vật chất đối với quê hương như một sự tri ân, góp phần nuôi dưỡng phong trào khuyến học. Trong số đó có doanh nhân Nguyễn Đức Thắng - chủ tịch một tập đoàn bất động sản đã ký hôp đồng với Hội Khuyến học xã Hoằng Lộc mỗi năm hỗ trợ 40 triệu đồng thưởng học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi, cuộc thi và giúp đỡ con em nhà nghèo hiếu học.

 Thanh Hóa - TP. Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2018

Theo doanhnhansaigon.vn
back to top