'Đặt hàng' đào tạo giáo viên: Vì sao nhiều địa phương không dám?

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP từ tháng 5/2021, nhưng khi mùa tuyển sinh đã sắp đi qua, hầu hết địa phương chưa thực hiện.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã nghiên cứu việc triển khai đặt hàng giáo viên nhưng rất khó.

Theo ông Quốc, về nguyên tắc, địa phương phải bỏ tiền chi trả cho đơn vị được đặt hàng, sau đó sử dụng nguồn đào tạo đó. Tuy nhiên, hiện số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường nhưng chưa được tuyển còn rất nhiều, nếu tiếp tục đặt hàng thì việc sử dụng ngân sách sẽ lãng phí.

Ngoài ra, quy mô trường lớp hàng năm đều tăng, thiếu trầm trọng giáo viên ở bậc mầm non, nhưng vẫn không được tuyển vì không được tăng thêm biên chế.

Do đó, ông Quốc cho rằng, việc đặt hàng chỉ khả thi khi địa phương cầm trịch, làm chủ được bài toán cung – cầu giáo viên trong từng giai đoạn.

“Khi chưa nắm được cung – cầu mà đã đặt hàng giáo viên sẽ dẫn tới tình trạng bất cập, lãng phí. Nắm được thực trạng sử dụng nguồn nhân lực thừa thiếu thế nào, địa phương mới nên đặt hàng”, ông Quốc nói.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, Quảng Trị cũng đang trong quá trình tổng hợp, phân tích số liệu, trên cơ sở đó mới xác định nhu cầu giáo viên, thừa - thiếu ra sao trong tương lai.

Do đó, năm nay Quảng Trị cũng chưa thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên. Theo bà Hương, Sở GD-ĐT đang hoàn thiện dự báo, sau đó sẽ tham mưu UBND và có thể đầu năm 2022 mới có kế hoạch đặt hàng với con số cụ thể cho từng năm.

'Đặt hàng' đào tạo giáo viên: Vì sao nhiều địa phương không dám?
Cả nước thiếu gần 50.000 giáo viên mầm non theo thống kê mới đây của Bộ GD-ĐT. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Còn ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho hay, khó ở chỗ, theo Nghị định 116, UBND tỉnh sẽ rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên theo từng trình độ, cấp học, từ đó xác định chỉ tiêu để giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc tỉnh hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. Điều này đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm về đầu ra với các sinh viên được đặt hàng.

Tuy nhiên hiện nay, việc tuyển giáo viên vẫn phải theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP (về việc tuyển dung, sử dụng và quản lý viên chức). Như vậy, tức là vẫn cần thông qua thi tuyển.

“Bài toán đặt ra là sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, nếu thi tuyển không đỗ, những sinh viên này sẽ đi về đâu? Họ có bị buộc phải trả lại tiền cho nhà nước hay không? Điều này vẫn còn nhiều vướng mắc và thiếu đồng bộ”.

Ông Thái cho biết, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi đã kiến nghị lên Bộ GD-ĐT, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi.

Vướng mắc giữa đặt hàng và tuyển dụng cũng là băn khoăn của ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định.

“Theo Nghị định 116 thì các địa phương bỏ kinh phí ra để đặt hàng sinh viên sư phạm. Nhưng việc tuyển giáo viên hiện vẫn theo Nghị định 115, giống việc tuyển dụng viên chức các lĩnh vực khác. Giờ đây chúng tôi đặt hàng, nhưng mai kia chẳng có bất kỳ một cơ chế gì để có thể bảo đảm chắc chắn lấy được người mà chúng tôi muốn đặt. Thay vào đó, lại phải tiến hành việc tuyển dụng như tuyển một viên chức, theo một Nghị định hoàn toàn khác. Như vậy, không có sự đồng bộ giữa việc đặt hàng với việc tuyển dụng về”, ông Hùng phân tích.

Ông Hùng cho hay, với cơ chế như hiện nay, những sinh viên tốt nghiệp sư phạm không phải do địa phương đặt hàng vẫn có quyền thi tuyển biên chế bình đẳng với sinh viên đăng ký theo diện đặt hàng.

“Tuyển dụng là phải theo luật chung, không có địa phương nào được phép đặt ra một cơ chế riêng để chỉ tuyển sinh viên mình đặt. Còn nếu không lấy được đúng “hàng đặt” thì khác gì đến khi cần là đăng tuyển dụng, cần gì phải đặt hàng”, ông Hùng nói.

'Đặt hàng' đào tạo giáo viên: Vì sao nhiều địa phương không dám?
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT: Không khó!

Lãnh đạo của 2 trường sư phạm lớn ở miền Bắc thì cho rằng về cơ bản cơ chế đặt hàng giáo viên sẽ giải quyết bài toán thiếu - thừa giáo viên trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, dù Nghị định 116 áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022 nhưng có thể thấy việc đặt hàng còn quá mới mẻ. Do đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mới chỉ được 3 tỉnh đặt hàng (Cao Bằng, Hà Giang và Lai Châu) với tổng số chưa đến 200 chỉ tiêu/hơn 4.000 chỉ tiêu của trường.

“Chắc chắn phải có một giai đoạn trung chuyển. Bởi có thể có nhiều tỉnh cũng có nhu cầu đặt hàng nhưng chưa kịp triển khai. Do đó, phía nhà trường vẫn sẽ đào tạo và chắc chắn Nhà nước cũng cân nhắc về việc này trong giai đoạn trung chuyển”.

Còn theo thông tin từ ông Cao Bá Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, trường này cũng chỉ nhận được 2 đề nghị đặt hàng từ Hà Giang và Cao Bằng với 200 chỉ tiêu.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho hay, do năm nay Nghị định 116 mới đưa vào áp dụng nên các địa phương chưa kịp đặt hàng và cũng cần phải chấp nhận giai đoạn chuyển tiếp.

Trước băn khoăn về việc đặt hàng theo Nghị định 116 nhưng tuyển dụng vẫn qua thi tuyển theo Nghị định 115, vị này cho hay, địa phương hoàn toàn có thể xây dựng tiêu chí để tuyển dụng được người.

“Ví dụ tỉnh Nghệ An đặt hàng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đào tạo 300 chỉ tiêu. Địa phương có quyền yêu cầu hộ khẩu sinh viên ở tỉnh nào, điểm chuẩn trên sàn,... và đặc biệt cam kết khi về làm việc chấp thuận với sự bố trí theo sắp xếp của địa phương. Việc thi tuyển hay xét tuyển ra sao thì địa phương có quyền quyết định”.

Còn với câu hỏi nếu thí sinh trong diện được địa phương đặt hàng nhưng về thi tuyển biên chế theo Nghị định 115 lại trượt thì có phải bồi hoàn hay không, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, mục tiêu của Nghị định 116 không phải là để thu hồi kinh phí, mà là nâng cao chất lượng, gắn đào tạo với nhu cầu.

Theo vị này, nếu sinh viên được đào tạo tốt thì không khó xin việc. Nghị định 116 quy định rõ công tác trong ngành giáo dục, kể cả làm giáo viên, làm quản lý hay bất cứ việc nào ở công lập hay ngoài công lập đều không phải bồi hoàn kinh phí.

"Ngoại trừ bằng tốt nghiệp vào diện trung bình, yếu. Nhưng đây cũng là sức ép để sinh viên sư phạm học tập tốt. Còn thi tuyển thì vô cùng, tất nhiên sinh viên ra trường cũng phải biết lượng sức mình để đăng ký ứng tuyển vào đâu có cơ hội trúng tuyển”.

Thanh Hùng - Thúy Nga

Theo vietnamnet.vn
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top